(TTCNTT) - Quy chế hoạt động của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử ngành Bảo hiểm xã hội nêu rõ nguyên tắc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn, đảm bảo tính pháp lý và vận hành liên tục 24/24 giờ hàng ngày.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra quyết định ban hành Quy chế hoạt động của cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử ngành Bảo hiểm xã hội.
Quy chế này áp dụng cho các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến và quản trị vận hành Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; và các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng thông tin dịch vụ công trực tuyến do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp.
Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các dịch vụ công có đối tượng sử dụng nhiều đều đã được cơ quan này cung cấp trực tuyến mức độ cao
trên Cổng dịch vụ công của ngành tại địa chỉ dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Theo Quy chế, dịch vụ công trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là dịch vụ hành chính công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đăng tải trên Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cung cấp các thông tin cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng và được công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Quy chế mới được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng quy định rõ 5 nguyên tắc trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của ngành Bảo hiểm xã hội, bao gồm: Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng; Công khai, minh bạch thông tin, thời gian giải quyết, tình trạng giải quyết hồ sơ;
Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội với các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính; Chính xác, thuận tiện, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí thực hiện cho các tổ chức, cá nhân; không gây phiền hà, ách tắc trong quá trình giải quyết; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn, đảm bảo tính pháp lý và vận hành liên tục 24/24 giờ hàng ngày.
Quy chế cũng quy định cụ thể các hành vi bị cấm khi sử dụng dịch vụ trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam như: cản trở việc lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cản trở hoặc can thiệp trái phép quá trình truyền, gửi, nhận thông điệp dữ liệu; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu…
Về ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, trong 2 lần Bộ TT&TT thực hiện đánh giá, xếp hạng bộ, ngành, địa phương vào các năm 2018 và 2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn dẫn đầu nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ.
Cùng với đó, trong 3 năm gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều xếp vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT - Việt Nam ICT Index ở nhớm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Khẳng định công tác cải cách hành chính đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm tốt trong thời gian qua, đại diện cơ quan này cho hay, trong 20 dịch vụ công đã được đăng ký thực hiện trực tuyến mức 3, 4, có một thủ tục đã được cắt giảm sau rà soát, 18 thủ tục đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
“Chỉ còn một dịch vụ công hiện chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp trực tuyến mức 3, 4 là ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dự kiến sẽ thực hiện xong trong quý II/2020. Lý do dịch vụ này chưa được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 là do nhu cầu ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên môi trường điện tử không cao. Các dịch vụ công có đối tượng sử dụng nhiều đều đã được chúng tôi cung cấp trực tuyến mức độ cao”, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay.
(Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)