SharePoint
Liên kết web
 
 

An ninh mạng Việt Nam phải có thêm nhiều nhân lực, sản phẩm trong nước

15/11/2019 16:05
(TTCNTT) - Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, tương tự như ngành y tế quan tâm đến việc đào tạo bác sĩ nội, sản xuất thuốc nội, lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực, có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ trong nước.

Cũng trong chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí công bố các hoạt động của Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 chủ đề “Nâng tầm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã phân tích về sự tương đồng giữa ngành y tế với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.

Theo Thứ trưởng, sự giống nhau giữa ngành y và lĩnh vực an toàn, an ninh mạng thể hiện ở chỗ, tại những nước nghèo, điều kiện còn thiếu thốn, ngành y tế thường chỉ quan tâm đến điều trị bệnh, tương tự như trong lĩnh vực an ninh mạng thì chỉ quan tâm đến ứng cứu sự cố. “Nhìn vào góc độ kinh tế, ban đầu có thể nói lựa chọn trên là phù hợp vì không phải bỏ ra nhiều tiền. Tuy nhiên, hậu quả mà nó đưa đến rất lớn”, Thứ trưởng đánh giá.

Thứ trưởng cũng cho hay, ở những nước phát triển, y tế dự phòng rất được quan tâm. Y tế dự phòng có cái khó là phải quan tâm đến diện rộng, toàn xã hội nhưng lợi ích mang lại rất lâu dài và hậu quả rất ít. Để làm được điều này, vấn đề nhận thức vô cùng quan trọng. Xã hội, người dân và chính phủ cần có nhận thức là tăng cường phòng bệnh hơn chữa bệnh.

“Với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, mong muốn của Chính phủ, của Bộ TT&TT cũng chính là vấn đề làm thế nào để tăng cường công tác phòng bệnh. Lấy ví dụ như, ngành y tế hay lĩnh vực an ninh mạng, suy cho cùng cũng cần có nhiều bác sĩ nội, thuốc nội, bởi nhập nhiều quá tốn kém”, Thứ trưởng chia sẻ.

Nhận định hiện nhận thức về đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam còn chưa được nâng cao, sự quan tâm của chủ quản hệ thống thông tin đâu đó vẫn chưa “đến mức”, vẫn có tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, khi sự cố xảy ra mới lo ứng cứu, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng bày tỏ mong muốn có sự đồng hành của truyền thông trong việc làm sao để nâng tầm nhận thức về an toàn, an ninh mạng.

“Các vấn đề chúng ta đang triển khai như giám sát an toàn thông tin, đào tạo nhân lực an toàn thông tin hay tổ chức sự kiện Ngày an toàn thông tin này cũng là nhằm nâng cao được ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bộ TT&TT mong muốn rằng làm thế nào để nâng cao nhận thức, biến nhận thức đó thành các hành động cụ thể và trong một tương lai không xa, chúng ta có được lực lượng làm an toàn, an ninh mạng trong nước đủ sức ngang tầm với quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ở góc độ của doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, ông Tạ Hoàng Linh, Tổng giám đốc Công ty CMC Cyber Security cũng cho rằng, khi cuộc sống đi lên, con người phải chú ý nhiều hơn đến sức khỏe cá nhân. Trong lĩnh vực CNTT, sức khỏe của các hệ thống CNTT chính là chuyện liên quan đến an toàn, an ninh mạng. Và CNTT càng phát triển, vai trò của an toàn, an ninh mạng càng trở nên quan trọng.

Cho biết vấn đề trên được CMC nhận thức tương đối sớm, ông Tạ Hoàng Linh cũng chia sẻ CMC đã có thời gian dài kiên trì phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng, tập trung vào nhóm sản phẩm, giải pháp về phòng chống mã độc; vào hệ thống giám sát giao dịch mạng, giám sát an ninh, an toàn mạng.

“Việc Chính phủ, Bộ TT&TT khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin nội là cơ hội để các doanh nghiệp làm an toàn thông tin trong nước hoàn thiện mình, có được các sản phẩm, giải pháp phù hợp cho một lớp người dùng nhất định. Sự ủng hộ về tinh thần, tư tưởng này rất quý cho những doanh nghiệp Việt Nam đã và đang kiên trì, quyết tâm đi theo con đường phát triển sản phẩm an toàn, an ninh mạng”, ông Tạ Hoàng Linh nói.

Ông Tạ Hoàng Linh khẳng định, CMC sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những đội ngũ chuyên gia phát triển sản phẩm, giải pháp an toàn, an ninh mạng, với mong muốn đóng góp một phần nào đó cho xã hội, cho ngành công nghiệp ICT nước nhà.

Trong khuôn khổ sự kiện thường niên Ngày An toàn thông tin Việt Nam, cũng nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin nội địa, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam mở rộng thị trường, kể từ năm 2015 đến nay, VNISA đã tổ chức chương trình “Bình chọn sản phẩm, dịch vụ An toàn thông tin chất lượng cao”.

Trong năm 2019, lần thứ tư chương trình bình chọn được tổ chức, thông tin từ VNISA cho hay, đã có 30 sản phẩm, dịch vụ của 15 tổ chức, doanh nghiệp vượt qua vòng sơ tuyển và đang được các Tiểu ban của Hội đồng bình chọn tổ chức đánh giá, thẩm định. Trong đó, có 9 sản phẩm tham gia bình chọn danh hiệu “Sản phẩm An toàn thông tin chất lượng cao” 2019 là 9; 8 sản phẩm tham gia bình chọn “Sản phẩm An toàn thông tin mới xuất sắc 2019”, và 13 dịch vụ tham gia bình chọn “Dịch vụ An toàn thông tin chất lượng cao 2019”.

Theo kế hoạch, các danh hiệu bình chọn sẽ được công bố và trao tặng trong phiên toàn thể của hội thảo – triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 diễn ra ngày 29/11 tới tại Hà Nội.

Được biết, trên cơ sở kết quả bình chọn của chương trình, Bộ TT&TT sẽ chọn các sản phẩm, dịch vụ để đưa vào Danh mục các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng nội địa ưu tiên sử dụng trong các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên và các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử theo Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

 (Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây