SharePoint
Liên kết web
 
 

Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung Mobile Money là dịch vụ trung gian thanh toán

09/11/2019 16:30
(TTCNTT) - Tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bổ sung thêm dịch vụ tiền di động (Mobile Money) là dịch vụ trung gian thanh toán.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. 

Dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 101 ngày 22/11/2012 của Chính phủ về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được xây dựng với mục đích giải quyết các vấn đề bất cập, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế.

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của CNTT, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế và nhu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặ hiện hành bộc lộ một số bất cập và cần được tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa.

Một nội dung mới đáng chú ý được Ngân hàng Nhà nước đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là bổ sung quy định về tiền điện tử, bao gồm khái niệm tiền điện tử; các hình thức thể hiện của tiền điện tử là ví điện tử, thẻ trả trước (Prepaid Card), tiền di động (Mobile Money); đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).

Trong đó, theo dự thảo Nghị định, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.

Cũng tại dự thảo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung thêm dịch vụ tiền di động là dịch vụ trung gian thanh toán để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép có thể triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. 

“Nội dung bổ sung này thực sự cần thiết giúp cho người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet đồng thời giúp thúc đẩy tài chính toàn diện. Đối với nội dung này, nhận được sự đồng thuận của một số Bộ, ngành, tuy nhiên để quản lý chặt chẽ hình thức này đòi hỏi cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh chặt chẽ tại Nghị định này”, Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Về cung ứng và phát hành tiền điện tử, dự thảo Nghị định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng thẻ trả trước. Việc cung ứng và phát hành thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng ví điện tử, tiền di động. Việc cung ứng dịch vụ ví điện tử, tiền di động phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh về dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại Nghị định này và tuân thủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến cung ứng dịch vụ ví điện tử, dịch vụ tiền di động.

Quy định pháp lý về tiền điện tử, theo dự thảo tờ trình, cũng là 1 trong 4 vấn đề Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến của Chính phủ. Cụ thể, với vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bản chất tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán chứa đựng giá trị tiền tệ lưu trữ trên các thiết bị điện tử, với các hình thái biểu hiện là thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động (Mobile Money). Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng thẻ trả trước và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng ví điện tử, tiền di động.

“Đối với tiền di động, đây là nội dung mới, do vậy cần thiết cần làm rõ một số vấn đề như: đối tượng cung ứng tiền di động, cơ chế đảm bảo tiền di động thông qua tài khoản đảm bảo hay ký quỹ, các hình thức định danh khách hàng của người sử dụng dịch vụ tiền di động”, Ngân hàng Nhà nước nêu.                                                   

Trước đó, chia sẻ tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” hồi tháng 6/2019, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, từ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ TT&TT và Bộ đưa ra đề xuất triển khai dịch vụ Mobile Money. Tháng 1/2019, Nghị quyết 02 của Chính phủ thể hiện vấn đề thanh toán không thông qua tài khoản ngân hàng, trong đó có Mobile Money. Tháng 4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ TT&TT trình Chính phủ cho triển khai Mobile Money thí điểm.

Cũng liên quan đến việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán, đầu tháng 10/2019, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, có ý kiến bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước nêu rõ quy trình, thủ tục, cơ quan thẩm quyền quyết định việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), hình thức và những nội dung cần thiết của văn bản thí điểm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo văn bản quyết định về việc thí điểm, bổ sung tiêu chí, điều kiện lựa chọn đối tượng tham gia thí điểm, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 11/2019.

 (Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây