SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ TT&TT, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Nam sẽ triển khai điểm về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử

25/10/2019 12:37
(TTCNTT) - Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã thống nhất chọn Bộ TT&TT, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Nam để triển khai điểm, mẫu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Trên cơ sở kết quả làm điểm sẽ nhân rộng mô hình thành công.

Thông tin nêu trên vừa được Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thống nhất tại cuộc họp ngày 22/10 của Tổ công tác, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Tổ công tác sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT.

Theo Tổ công tác, việc triển khai Bộ mẫu, tỉnh mẫu về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử rất quan trọng. Bởi lẽ, hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử; vì thế khi có bộ, tỉnh triển khai thành công thì các bộ, địa phương khác có thể học theo nhanh hơn.

Cùng với việc thống nhất lựa chọn 4 bộ, tỉnh gồm Bộ TT&TT và 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Hà Nam là Bộ mẫu và các tỉnh mẫu triển khai làm điểm về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Tổ công tác cũng dự kiến trong tháng 1/2020 sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả làm điểm để xem xét nhân rộng thành công cho các bộ, địa phương trên toàn quốc.

Quá trình triển khai điểm về Chính phủ điện tử, Chính phủ điện tử tại bộ mẫu, tỉnh mẫu được lựa chọn, theo các thành viên Tổ công tác Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, cũng sẽ là dịp để thử nghiệm khả năng đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ tham gia cùng các bộ mẫu, tỉnh mẫu triển khai điểm.

Được biết, 3 doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT và Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) sẽ là những doanh nghiệp đồng hành cùng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Quảng Ninh trong việc triển khai điểm về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Riêng với Bộ TT&TT, việc lựa chọn doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Việc xác định các tiêu chí của Bộ mẫu, tỉnh mẫu về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử phục vụ cho việc triển khai điểm thời gian tới, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT là đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu và đề xuất ngay trong tháng 10/2019 này.

Việc lựa chọn triển khai điểm Bộ mẫu, tỉnh mẫu về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử cũng đã được Bộ TT&TT xác định là một trong những giải pháp chủ yếu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2020 mới được ban hành ngày 18/10 vừa qua.

Theo đó, Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm hướng dẫn triển khai điểm về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình điển hình, thành công. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gtrong quá trình triển khai điểm làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật triển khai Chính phủ điện tử trên cả nước.

Kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2020 mới được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành nhằm xác định các mục tiêu, nhiệm vụ để Bộ TT&TT tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 17 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025” và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; làm cơ sở để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng triển khai kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Trước đó, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 17, phát huy vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực CNTT của Bộ TT&TT, mới đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ, chuyển sang Bộ TT&TT, các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử “phải đảm bảo không bị gián đoạn, không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao hơn”.

Các chuyên gia nhận định việc chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT là cuộc tiếp sức phù hợp. Và trọng trách đặt lên vai Bộ TT&TT lúc này là làm sao cho guồng máy chạy tiếp nhanh hơn, đảm bảo toàn bộ hệ thống chuyển đổi.

 (Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây