(TTCNTT) - Một mục tiêu của hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội 2019” là thúc đẩy phát triển dịch vụ chữ ký số phục vụ cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Ngày mai, 11/10, tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019”.
Là sự kiện do Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp tổ chức, hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo Tỉnh/ Thành ủy, Ủy ban nhân dân và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Hội nghị lần này sẽ góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước; phát triển thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Đồng thời, hội nghị cũng nhằm giúp Thủ trưởng, Lãnh đạo các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị hiểu đúng lợi ích và vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Ban tổ chức cho biết, nội dung chính của hội nghị tập trung giới thiệu các nội dung quản lý nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử cũng như các hoạt động của doanh nghiệp như chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…trong đó chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là hạ tầng pháp lý cho các hoạt động giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, các đại biểu dự hội nghị sẽ thảo luận về tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các điển hình về ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan Đảng, nhà nước; tình hình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia; giới thiệu sản phẩm, giải pháp tích hợp chữ ký số vào các hệ thống văn bản điều hành của các bộ, ngành và địa phương đáp ứng quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử...
Đến nay, song song với quy định pháp lý cho việc ứng dụng và phát triển chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Luật giao dịch điện tử 2005, Nghị định 130 ngày 7/9/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử cũng đã tạo môi trường pháp lý vững chắc cho thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hoạt động.
Năm 2009, VNPT-CA là đơn vị đầu tiên được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và cũng CA công cộng đầu tiên hoạt động. Đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 14 doanh nghiệp, trong đó đi vào hoạt động 10 doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện đầu tư hệ thống kỹ thuật và tổ chức vận hành, 1 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép năm 2016.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT, tính đến giữa năm nay, các CA công cộng đã cấp 2.699.668 chứng thư số, số lượng chứng thư số đang hoạt động là 1.166.896. Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…
(Nguồn: ictnews.vn)