Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có bài trình bày liên quan đến Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 của Việt Nam.
Cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như hoạt động kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh, làm thay đổi mang tính hệ thống ở các ngành, các lĩnh vực thậm chí cả một quốc gia; đồng thời thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất. Cuộc cách mạng này đem đến cả cơ hội cũng như thách thức, trong đó nhiều quốc gia đã tận dụng cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam nhanh chóng nắm bắt xu thế và không ngừng cải thiện mức độ sẵn sàng trong việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác tận dụng lợi ích của cuộc cách mạng gắn với xây dựng tổ chức chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu tham quan Triển lãm Công nghiệp 4.0
"Chúng ta có thể tự tin nói đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện các chiến lược đột phá, đồng thời hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, tăng tốc phát triển nền kinh tế đưa nước ta thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần. Điều đó dựa trên nền nền tảng của Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ 4, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới", ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược quốc gia về 4.0 đang trong quá trình dự thảo được xây dựng trên tư tưởng "Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. Trước hết là đuổi kịp và tiến cùng ở một số lĩnh vực và chọn lọc một số lĩnh vực để có thể tìm cách vượt lên dẫn đầu".
Việt Nam phải làm chủ công nghệ để vươn lên dẫn đầu
Chia sẻ cụ thể của ông Nguyễn Chí Dũng cho thấy, Chiến lược quốc gia 4.0 đang được xây dựng dựa trên 3 nền tảng chính đó là: Đổi mới hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập, thân thiện với những mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm; Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn lớn bao gồm hạ tầng kỹ thuật số, kết nối Internet tốc độ cao, xây dựng chia sẻ cơ sở dữ liệu; Phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng.
Các chính sách quan trọng được đề cập tới như: Áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý Nhà nước nhanh hơn, minh bạch và hiệu quả hơn; Hỗ trợ khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp để tối ưu hóa nguồn nhân lực, kinh doanh thông minh; Cắt giảm chi phí, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất…
Cơ cấu lại và tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của CMCN4.0 và cuộc cách mạng thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu ở một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả ở ngắn hạn và dài hạn.
Để thực hiện được thành công, các giải pháp bổ sung được nhắc đến là thu hút đầu tư nước ngoài trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, đầu tư mạo hiểm cho start-up Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, hợp tác với các đối tác chiến lược; Xây dựng và mở rộng mạng lưới chuyên gia quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ mới.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Tham gia CMCN 4.0 là con đường đi tất yếu với các quốc gia nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đối với Việt Nam, đây là chủ trương lớn quan trọng, định hướng lớn mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã thể hiện quyết tâm chính trị cao để có thể tận dụng các cơ hội mà cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới, mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Dũng trong khuôn khổ Diễn đàn công nghiệp 4.0, hôm qua (2/10), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành thành lập Trung tâm sáng tạo đổi mới quốc gia. Theo đó, sẽ ban hành các cơ chế, chính sách mang tính vượt trội, đặc thù và đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy cho KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Bộ KH&ĐT đang xây dựng đề án để triển khai và khởi công vào cuối năm nay. Đây là bước tiến mạnh trong việc hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị. Đó còn là kết quả của quá trình triển khai đi trước một bước với tinh thần không ngừng cải cách, đổi mới.
Trung tâm này có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh mới đồng thời nâng cấp công nghệ để tạo hiệu quả cao hơn, năng suất và cạnh tranh hơn. Trung tâm sẽ được kết nối với mạng lưới các trung tâm đổi mới tri thức của các quốc gia khác trong khu vực. Bộ KH&ĐT đồng thời thiết lập được một mạng lưới để hỗ trợ cho các start-up Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, tăng cường giáo dục đào tạo các cấp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện thực hóa các chính sách trong cuộc CMCN 4.0.
(Nguồn: ictnews.vn)