SharePoint
Liên kết web
 
 

“Hạt giống chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo đã bắt đầu nảy mầm”

01/10/2019 16:13
(TTCNTT) - Chia sẻ tại lễ ra mắt bản đồ số Vmap và hệ thống thông tin nhân đạo iNhandao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, hạt giống chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo được gieo hơn 1 năm trước bắt đầu nảy mầm, trong đó 2 thứ đã thấy rõ là Vmap và iNhandao.

Bản đồ số Vmap đã có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước

Là hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, lễ ra mắt nền tảng bản đồ số - Vmap và hệ thống thông tin nhân đạo – iNhandao được Bộ KH&CN tổ chức hôm nay, 1/10/2019 tại Hà Nội, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng.

Được triển khai từ 1/1/2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” có mục tiêu phát triển nền tảng dữ liệu, tri thức trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, Đề án đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực. Trong đó, dự án Bản đồ số Việt Nam và dự án Hệ thống thông tin nhân đạo là hai dự án tiên phong của Đề án và đã đạt được một số kết quả quan trọng trong giai đoạn một để giới thiệu với công chúng.

Nhân viên VietnamPost thu thập thông tin, hình ảnh một địa chỉ tại Hà Nội.

Chia sẻ tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những người tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa từ những ngày đầu rất vui, vì hạt giống chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo được gieo hơn 1 năm trước đã bắt đầu nảy mầm, trong đó có 2 thứ đã có thể thấy rất rõ là bản đồ số Vmap và hệ thống thông tin iNhandao. Mặc dù mới chỉ là giai đoạn 1 nhưng các sản phẩm này đã được cộng đồng đón nhận và bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn.

Nhấn mạnh điều quan trọng thời gian tới cũng là mong muốn những người tham gia đề án Hệ tri thức Việt số hóa là làm sao để cây mới nảy mầm có thể lớn lên, đơn hoa, kết trái, Phó Thủ tướng cho rằng, quá trình này còn rất dài, cần có nhiều hơn nữa những bàn tay cùng góp sức để chăm sóc cho bản đồ số Vmap, hệ thống thông tin iNhandao nói riêng và iTrithuc nói chung.

Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần  xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.

Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động trải rộng tới cấp xã, thôn bản và hệ thống CNTT hiện đại, kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam - Vmap.

Để thu thập dữ liệu bản đồ, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã  tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Thông qua smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên đã thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ… ). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn.

Vmap không chỉ xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân mà còn xây dựng các ứng dụng đi kèm bản đồ. Điển hình như bản đồ địa chỉ nhân đạo điện tử nhằm hỗ trợ việc triển khai các hoạt động nhân đạo. Theo đó, trên hệ thống https://nhandao.itrithuc.vn sẽ hiển thị các thông tin về địa chỉ nhân đạo do cộng đồng người dùng cả nước đề xuất như người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Vmap hiện đã có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Bên cạnh các tính năng cơ bản như: tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ đi theo một hướng đi khác biệt, hữu ích nhất cho người dùng. Đó là hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống và hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian tới, VietnamPost sẽ tiếp tục cập nhật các dữ liệu, thông tin lên Vmap. Đặc biệt, đội ngũ bưu tá mỗi lần đi phát hàng hóa, thư báo cũng liên tục cập nhật thêm các thông tin cần thiết lên bản đồ trực tuyến Vmap. Vmap cũng sẽ được bổ sung thêm các ứng dụng sử dụng đi kèm để hấp dẫn hơn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện hơn.

“Để tạo lập một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu bản đồ của người Việt, do người Việt chung tay xây dựng, phục vụ cộng đồng, Vmap rất cần sự  ủng hộ của các đơn vị, người dùng trong việc ứng dụng bản đồ số vào cuộc sống. Đồng thời, chia sẻ, đóng góp dữ liệu thông tin chính xác để vừa gia tăng địa chỉ vừa đảm bảo chất lượng dữ liệu ở mức tốt nhất”, đại diện VietnamPost chia sẻ.

“iNhandao giúp kết dính người Việt Nam xây dựng một xã hội tốt đẹp và bền vững”

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ ra mắt nền tảng bản đồ số - Vmap và hệ thống thông tin nhân đạo – iNhandao.

Cũng tại sự kiện, đại diện 4 đơn vị gồm Văn phòng Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Ngân hàng TMCP Quân đội MB Bank, Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam và VietnamPost đã ký cam kết tham gia giai đoạn 2 dự án xây dựng nền tảng Nhân đạo số.

Hệ thống thông tin nhân đạo iNhandao (nhandao.itrithuc.vn) là dự án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với FPT phát triển nhằm tạo ra kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời.

Kế thừa các địa chỉ số từ bản đồ Vmap.vn do VietnamPost phát triển, FPT đã số hóa, tự động hóa quy trình triển khai hoạt động thiện nguyện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giai đoạn đầu, hệ thống iNhandao triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác.

Từ đó, các hoạt động của nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Nhà tài trợ ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai tài trợ thuận tiện, cũng có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.

Từ khi triển khai, các cấp Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành đã khảo sát được gần 60.000 địa chỉ nhân đạo; phối hợp với FPT và VietnamPost xử lý và cập nhật lên hệ thống iNhandao 17.000 địa chỉ.

Hệ thống iNhandao vận hành sẽ thay đổi căn bản phương thức triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ theo hướng dựa vào cộng đồng, thực chất; tăng hiệu quả, chất lượng, giá trị trợ giúp nhân đạo, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động trợ giúp nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thông qua hệ thống bản đồ số và các ứng dụng điện tử.

Với cộng đồng, Hệ thống iNhandao là công cụ hữu ích liên kết các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo; hỗ trợ cộng đồng thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo đúng người, đúng nhu cầu; giúp hạn chế các mặt tiêu cực trong hoạt động trợ giúp nhân đạo tự phát.

(Nguồn: /ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây