SharePoint
Liên kết web
 
 

Bàn giải pháp xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở Việt Nam

30/09/2019 07:45
(TTCNTT) - Ngày 4/10 tới, tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội thảo “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì, phối hợp với một số tổ chức xã hội nghề nghiệp khác tổ chức.

Nhằm trao đổi nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, tiếp nối với hội thảo trước đây về xây dựng hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, ngày 4/10 tới, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp cùng với Hội Thư viện Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam cùng Câu lạc bộ Khoa - Viện - Trường CNTT và Truyền thông Việt Nam đồng chủ trì và tổ chức hội thảo chủ đề “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”.

Theo Ban tổ chức, hội thảo “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở” năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng trong cũng như ngoài nước có liên quan đang diễn ra, như Đề án Chuyển đổi số quốc gia với nhiều khái niệm mở được giới thiệu, hay như sự kiện phiên họp toàn thể của UNESCO vào tháng 11 tới nhiều khả năng sẽ thông qua các khuyến cáo chính thức cho các quốc gia trên thế giới đầu tư thúc đẩy phát triển tài nguyên giáo dục mở.

“Để đáp ứng được các yêu cầu cao đó của xã hội, có lẽ đã tới lúc các tổ chức xã hội nghề nghiệp không chỉ tổ chức các sự kiện và hoạt động mang tính chuyên sâu cho ngành nghề của mình, mà còn cả các sự kiện và hoạt động mang tính liên ngành. Đây cũng chính là nét đặc thù của hội thảo năm nay”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Liên quan đến việc xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, mới đây Bộ GD&ĐT đã đề nghị Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đai học, trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là các trường) đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài nguyên giáo dục mở, trước hết là đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.

Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển, khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, khuyến khích sự tham gia của giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia và sinh viên; báo cáo kế hoạch trước 30/10/2019 và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, chủ động hợp tác xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; chủ động tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc.vn), Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế nhằm giúp người học mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung học tập chất lượng, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời.

Các học viện, trường đại học cũng được yêu cầu phối hợp với các cơ sở giáo dục thường xuyên biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; xây dựng và thực hiện các chương trình, khóa học mở, đại chúng trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương, góp phần tăng tỉ lệ dân số được tiếp cận với giáo dục đại học thông qua hình thức giáo dục thường xuyên.

Bộ GD&ĐT giao trường Đại học Mở Hà Nội và Đại học Mở TP.HCM xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá các tài nguyên giáo dục mở của Việt Nam; giao trường Đại học Tôn Đức Thắng thí điểm xây dựng và triển khai mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở cho các trung tâm giáo dục thường xuyên phục vụ học tập cộng đồng, báo cáo Bộ trước ngày 31/12/2019.

Vụ Giáo dục thường xuyên được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục đại học và Cục CNTT xây dựng kế hoạch triển khai phát triển tài nguyên giáo dục mở trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên, thiết lập hệ sinh thái tài nguyên giáo dục mở quốc gia đáp ứng nhu cầu học tập của người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

(Nguồn: /ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây