(TTCNTT) - Theo ông Paul Mills, Chủ tịch Hiệp hội Mạng cáp quang thụ động (APOLAN), đối với kế hoạch xây mới hay nâng cấp hạ tầng mạng, ngoài việc đầu tư ban đầu, phải tính đến cả chi phí vận hành và giá trị nó mang lại.
Hiệp hội Mạng cáp quang thụ động (APOLAN), một tổ chức phi lợi nhuận giúp thay đổi nhận thức về mạng cáp quang thụ động (POL), đã chia sẻ 5 lý do chính khiến các doanh nghiệp, tổ chức y tế, giáo dục và chính phủ nên cân nhắc đến POL khi nâng cấp, thay thế hoặc xây mới mạng LAN cho các chiến lược trung và dài hạn.
“Trong mọi kế hoạch xây mới, nâng cấp hay thay thế cơ sở hạ tầng mạng, điều quan trọng không phải chỉ tính đến chi phí đầu tư ban đầu, mà phải tính đến cả chi phí vận hành ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là những giá trị mà nó mang lại,” ông Paul Mills, Giám đốc phụ trách Mạng cao cấp Khu vực Bắc Mỹ, kiêm Chủ tịch Hiệp hội APOLAN cho biết.
“Những lãnh đạo trong ngành công nghiệp phát triển đều cho rằng các hệ thống được công nghệ POL hỗ trợ đều đáp ứng yêu cầu kết nối tốt hơn với mức chi phí ít hơn. So với các mạng cáp đồng truyền thống, POL có thể tiết kiệm tới 30-50% chi phí đầu tư, 50-70% chi phí vận hành và 90% diện tích tủ rack. Ngoài ra, POL còn đáp ứng tốt thậm chí là vượt các chỉ tiêu về an toàn bảo mật hệ thống” ông Paul Mills nói.
Sau đây là 5 giá trị mà mạng cáp quang thụ động POL có thể mang lại cho doanh nghiệp:
Một là tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành: Ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi một giải pháp công nghệ có khả năng tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn phải cắt giảm các chi phí vận hành hệ thống. Từ quy mô của một trung tâm dữ liệu hay đơn giản là một cá nhân người dùng, công nghệ POL đều đáp ứng được đòi hỏi về chi phí nhờ khả năng cắt giảm đáng kể số lượng dây cáp, từ đó giảm chi phí vận hành cũng như tính phức tạp của hệ thống. Ngoài ra, công nghệ POL còn giảm thiểu chi phí đầu tư phần cứng, ví dụ như các thiết bị chuyển mạch và các chi phí dự phòng khác cho hệ thống.
Hai là tiết kiệm diện tích sàn: Cắt giảm diện tích sàn, diện tích tủ rack, kho chứa đóng vai trò rất quan trọng nếu một doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí. Khi giảm được diện tích sàn thì các chi phí vận hành sẽ giảm theo, ví dụ như chi phí an ninh, làm mát hệ thống và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, các yêu cầu về thi công nội thất và thẩm mỹ cũng dễ dàng được tuân thủ nhờ thiết kế và thi công nhỏ gọn của cáp quang đơn mode.
Ba là cơ sở hạ tầng của tương lai: Là cơ sở hạ tầng cáp quang đơn mode, POL là mạng của thế hệ tương lai. Với năng suất tải 101 Tbps băng thông kép, cáp sợi quang đơn mode SMF có khả năng cập nhật công nghệ mà không phải thay thế cơ sở hạ tầng cáp mới, đây là phần chi phí tốn kém nhất. Ngoài ra, POL còn gia tăng tuổi đời của hệ thống tới 25 năm và hơn thế, cho phép doanh nghiệp có khả năng dự đoán chính xác hơn các chi phí nâng cấp hệ thống trong tương lai.
Bốn là sự hội tụ dịch vụ mạng: Hội tụ mọi dịch vụ mạng là một giá trị quan trọng mà công nghệ POL mang lại. Nó cho phép mọi dịch vụ có thể được triển khai trên toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng đơn nhất, thay vì đa nền tảng như trước đây, trong khi vẫn đảm bảo tốc độ và khả năng mở rộng cao. Thoại (như POTS và VoIP w/PoE), video, dịch vụ họp video, WiFi và các dịch vụ giám sát (như các camera an ninh và cảm biến tòa nhà) đều được POL hỗ trợ.
Năm là bảo mật tiêu chuẩn quân đội: Việc triển khai sớm POL của Chính phủ liên bang Mỹ và Bộ Quốc Phòng Mỹ là một minh chứng cho thấy mức độ bảo mật cao của công nghệ này. So với các mạng cáp đồng truyển thống, với giới hạn 100m, thì POL có thể kéo dài tới 20km mà không phải thêm các thiết bị chuyển mạch, thiết bị lặp, từ đó giảm đáng kể số lượng các điểm tiếp cận mà hacker có thể thâm nhập. POL cũng không thải ra các phát xạ điện từ (EMI) và các thiết bị ONT của nó cũng không lưu trữ cấu hình hoặc thông tin của người sử dụng. Với ít sự can thiệp từ con người, POL sẽ ít gặp sự cố lỗi liên quan đến con người hay các rủi ro từ con người mang lại, từ đó làm tăng mức độ an toàn hơn so với cáp đồng.
Ông Mario Blandini, Giám đốc Marketing của DASAN Zhone Solutions, kiêm Chủ tịch Marketing của Hiệp hội APOLAN, cho biết: “Cơ sở hạ tầng mạng cáp quang POL không phải là mới, nó xuất hiện cùng thời mạng LANs. Nhưng suốt thời gian qua, giải pháp cáp quang được cho là tốn kém và chỉ được áp dụng khi các giải pháp truyền thống cũ không đáp ứng đủ yêu cầu băng thông. Tuy nhiên, khi bước vào công cuộc chuyển đổi số, giải pháp này đang được triển khai và trở nên phổ biến hơn nhờ tính hiệu quả về chi phí triển khai và vận hành”.
“Có thể nói từ trước đến nay, cơ sở hạ tầng mạng chưa bao giờ được cân nhắc một cách nghiêm túc trong các chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, đứng trước sự đòi hỏi buộc phải chuyển đổi số, đây sẽ là nhân tốc thúc đẩy sự phát triển của POL. Thế kỷ 21 không phải là lúc tranh cãi POL liệu có phải là lựa chọn tối ưu và thông minh nhất hay không, mà đây là lúc các nhà quản trị kinh doanh phải nhận thức rõ: “Chuyển đổi số chỉ có thể thực hiện được khi cơ sở hạ tầng mạng chuyển đổi” Ông Mario Blandini nói.
(Nguồn: ictnews.vn)