SharePoint
Liên kết web
 
 

Sẽ chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ về Bộ TT&TT

06/09/2019 13:58
(TTCNTT) - Thông tin với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vào ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT.

Thông tin nêu trên được Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý III/2019 diễn ra hôm nay, ngày 5/9/2019.

ới quyết định điều chỉnh phân công nhiệm vụ giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT về xây dựng Chính phủ điện tử, theo đề xuất của Văn phòng Chính phủ, thời gian tới Quyết định 1072 ngày 28/8/2019 về thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ được sửa đổi. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ làm Phó Chủ tịch thường trực của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban và Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Tổ công tác giúp Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ được chuyển về Bộ TT&TT.

Cũng trong phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành TT&TT quý III/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử được đẩy mạnh. Văn phòng Chính phủ rất tích cực và công việc đã được triển khai nhanh. “Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, tới đây sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 1072 thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị với một số tỉnh đang giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương cho Văn phòng Ủy ban chuyển nhiệm vụ này về các Sở TT&TT đảm trách để thống nhất trên toàn quốc.

"Như vậy, tới đây các Sở TT&TT sẽ có nhiều nhiệm vụ hơn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Đây cũng là một cơ hội quan trọng để các Sở TT&TT lấy lại vai trò của mình”, Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng lưu ý với Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc, trong nhiều đầu việc, có một việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp Chính phủ ngày 4/9 đã yêu cầu, đó là “chỉ rõ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đô thị thông minh là gì trong thời gian từ nay đến năm 2020 và tập trung vào làm”.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, hiện nay vấn đề quan trọng đầu tiên là kết nối, từ xã/huyện/tỉnh phải kết nối được với trung ương và không chỉ là kết nối văn bản mà còn là kết nối các hệ thống thông tin. Vấn đề thứ hai là phát triển dịch vụ công trực tuyến, với  2 con số: bao nhiêu dịch vụ công trực tuyến và số người dùng dịch vụ công trực tuyến đó. “100% dịch vụ đã được cung cấp trực tuyến mà không có người dùng thì cũng bằng không”, Bộ trưởng lưu ý.

Cục Tin học hóa cũng được yêu cầu phải có ngay một kế hoạch tập huấn cho các địa phương về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Theo Bộ trưởng, với chuyển đổi số, chúng ta dự kiến có 1.000 người là chuyên gia thường xuyên được đào tạo để làm hạt nhân chuyển đổi số toàn Việt Nam. Tương tự, với nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, cũng cần thống nhất có bao nhiêu hạt nhân – những chuyên gia hiểu về lĩnh vực này, có như vậy các địa phương mới làm được và cần tập trung đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đó.

Trên cơ sở Công thư 336 ngày 18/8/2019 của Thủ tướng, ngày 23/8 vừa qua, Bộ TT&TT đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân công chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ TT&TT và Văn phòng Chính phủ. Tại công văn này, Bộ TT&TT đã đề xuất việc giao lại trọn vẹn chức năng quản lý nhà nước về Chính phủ điện tử cho Bộ, bao gồm xây dựng thể chế; xây dựng chiến lược, kế hoạch; đôn đốc, thực thi và đánh giá; xây dựng các nền tảng dùng chung Chính phủ điện tử.

 (Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây