(TTCNTT) - Nhiều ứng dụng CNTT còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu… là những khó khăn, vướng mắc tại địa phương được ghi nhận trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng về triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.
Theo thông tin trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ, sáng 29/8, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, thời gian qua, các cơ quan đã tập trung triển khai các nhiệm vụ do Thủ tướng giao về Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Trên cơ sở đó, VPCP đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo như Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử…
Trong đó, những địa phương thực hiện tốt bao gồm Bắc Giang sử dụng chữ ký số trong 100% văn bản gửi VPCP, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng đạt gần 100%. Cụ thể, Hải Phòng đã bố trí mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, Bắc Giang mỗi năm bố trí khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện các hệ thống cốt lõi xây dựng chính quyền điện tử…
Bên cạnh đó, trong số 353 thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai cung cấp trực tuyến theo quyết định của Thủ tướng, 91 thủ tục đang được các địa phương triển khai… Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương còn triển khai nhiệm vụ chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu như Phú Thọ mới đang trình Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong khi thời hạn là 31/3; Hải Phòng chưa thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; Thái Nguyên mới phê duyệt đề án thành lập trung tâm này; Bắc Giang vẫn chưa xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung, duy nhất…
Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy một số những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, các khó khăn bao gồm việc chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức hay nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…
(Nguồn: /ictnews.vn)