(TTCNTT) - Với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường, nhóm 3 sinh viên năm thứ nhất của Đại học FPT đã cùng nhau nghiên cứu, ứng dụng sự kết hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để cho ra đời thùng rác thông minh Magic Bin.
Chung tay bảo vệ môi trường
Sản phẩm thùng rác thông minh Magic Bin vừa mang về cho nhóm 3 sinh viên K14 Đại học FPT cơ sở TP.HCM gồm Trần Lê Duy, Nguyễn Mậu Hiếu và Lê Diệu Hoa giải Ba cuộc thi cuộc thi trình diễn và thuyết trình sản phẩm về IoT - IoT Showcase Contest 2019 lần đầu tiên được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức với mong muốn tạo sân chơi, kết nối những học sinh, sinh viên FPT Edu trên toàn quốc cùng có niềm đam mê công nghệ.
Điều ấn tượng là các thành viên trong nhóm Magic Bin mới chỉ học năm nhất tại trường Đại học FPT. Tuy vậy, Hội đồng chuyên môn của vòng chung kết cuộc thi IoT Showcase Contest 2019 đánh giá cao bản lĩnh của nhóm sinh viên này qua cách họ xây dựng, phát triển ý tưởng thông minh và nền tảng kiến thức vững vàng.
Xuất phát từ thực tế Việt Nam hiện đang là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới, nhóm sinh viên Đại học FPT cơ sở TP.HCM đã lên ý tưởng và quyết định tạo ra sản phẩm thùng rác thông minh Magic Bin hỗ trợ phân loại và tái chế rác thải. Việc phân loại đúng rác thải sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.
Với những tính năng tiện lợi mà Magic Bin - thùng rác thông minh mang đến, sản phẩm này có thể đặt ở những nơi công cộng, nơi có nhiều người qua lại như công viên, đường phố…hay còn có thể đặt trong các toà nhà như công ty, trường học… Magic Bin có khả năng định vị, nhận biết số lượng rác trong thùng, rất thuận tiện trong việc thu dọn rác thải.
“Mục tiêu chung của cả nhóm khi sáng chế ra Magic Bin chính muốn đưa thông điệp đến người sử dụng cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường đặc biệt là nâng cao nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, coi việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người”, đại diện nhóm Magic Bin chia sẻ.
Sự kết hợp AI và IoT
Đáng chú ý, nắm bắt được xu hướng của thế giới đang trong cuộc Cách mạng 4.0, nhóm 3 sinh viên Đại học FPT đã kết hợp các công nghệ AI và IoT trong việc xây dựng thùng rác thông minh Macgic Bin. Theo đó, hệ thống thùng rác thông minh sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân loại rác tái chế và không tái chế nhằm giảm thiểu sức lao động của con người. Hơn thế, do ứng dụng công nghệ Machine Learning (Học máy) nên hệ thống còn có thể phát hiện những loại rác mới và tự học thông qua xác nhận của người dùng để ghi nhớ cho những lần sau.
Bên cạnh đó, theo lý giải của đại diện nhóm phát triển sản phẩm thùng rác thông minh, sở dĩ Magic Bin được gọi là một hệ thống vì đây là một tập hợp các thùng rác có khả năng kết nối thành một mạng lưới, điều này giúp Trung tâm điều hành của một thành phố thông minh có thể xem xét đưa ra quyết định bố trí xe gom rác thải bằng con đường ngắn nhất hoặc dựa theo một tiêu chí nào đó, giúp tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian.
Sinh viên Trần Lê Duy, một thành viên nhóm Magic Bin cho biết: “Về mặt phần cứng, nhóm đã đầu tư thiết kế 1 hệ thống với độ chính xác gần như tuyệt đối có khả năng điều chỉnh sai số trong quá trình vận hành trong thời gian dài. Hệ thống này không cần sự can thiệp của người dùng mà là tự động hoàn toàn, người dùng chỉ cần bỏ rác vào, mọi việc còn lại hệ thống sẽ xử lý. Hệ thống luôn cập nhật được dữ liệu lượng rác theo thời gian thực”.
Một điểm đặc biệt ở Magic Bin, theo nhóm phát triển sản phẩm, là thùng rác thông minh này có hệ thống mở cửa tự động, người dùng chỉ cần đưa tay vào, hệ thống sẽ nhận dạng và đưa ra lệnh để mở nắp. Tiếp đến, bằng công nghệ Machine Learning, thùng rác có hệ thống tự phân loại rác tái chế được hay không tái chế được và đưa rác thải vào đúng bên phân loại. Ngoài ra, có 1 hệ thống định vị và kiểm tra và theo dõi lượng rác trong mỗi thùng, mọi trạng thái đầy hay vơi cũng như vị trí của thùng rác cũng được cập nhật liên tục theo thời gian thực về ứng dụng riêng, việc này giúp cho việc kiểm soát thu dọn rác dễ dàng hơn chưa bao giờ hết.
Chia sẻ về quá trình phát triển sản phẩm, nhóm sinh viên cho biết họ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đều là các sinh viên năm thứ nhất nên mỗi bước đi đều phải luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi.
“Nhóm đã mất 1 tháng để hoàn thiện được sản phẩm, sau những giờ học trên trường, nhóm lại cùng nhau nghiên cứu và phát triển hệ thống. Trong thời gian làm dự án, rất nhiều ngày cả nhóm làm việc đến 12h đêm. Hiện tại, các thành viên trong nhóm đều là sinh viên năm nhất, dù đã từng tham gia một cuộc thi trước đó nhưng việc thiếu kinh nghiệm là điều không thể tránh khỏi đặc biệt là khi sản phẩm của nhóm áp dụng công nghệ mới như AI”, đại diện nhóm Magic Bin chia sẻ.
Cùng với đó, nhóm sinh viên thực hiện đề tài cũng gặp phải khó khăn lớn trong vấn đề tài chính. Vì khi đầu tư cho dự án này đến bước hoàn thiện, nhóm cần mua rất nhiều những nguyên vật liệu phù hợp để đưa ra sản phẩm tốt nhất có thể.
Thạc sĩ Thân Văn Sử, thành viên Hội đồng chuyên môn vòng chung kết cuộc thi IoT Showcase Contest 2019 đánh giá cao đề tài và nhận định đề tài hoàn toàn có thể sử dụng ở các nhà máy xử lý rác hiện nay.
(Nguồn: ictnews.vn)