(TTCNTT) - Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chú trọng hơn vào hoạt động đào tạo an ninh mạng, cung cấp cho nhân viên những kiến thức cơ bản về bảo mật mạng”.
Sự chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến không ít rủi ro cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam. Chiếm 98% trong tổng số DN và đóng góp khoảng 40% GDP toàn quốc, các SME đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, cả nước có gần 700.000 DN, trong đó các công ty SME chiếm hơn 98%. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, có khoảng 67.000 DN SME mới được đăng ký. Đây là số lượng SME được đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong 5 năm vừa qua.
Số lượng lớn các SME đòi hỏi ngày càng nhiều hệ thống sản xuất thông minh để có thể tiếp tục thúc đẩy huy động vốn và năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số trên toàn cầu phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang đứng thứ 46 trong số 60 quốc gia có sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh và đứng ở vị trí thứ 22 trong các quốc gia phát triển kinh tế kỹ thuật số trên thế giới. Do đó, hệ thống thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các DN, việc nắm giữ một lượng lớn thông tin khách hàng khiến DN trở thành mục tiêu của tội phạm mạng.
Các cuộc tấn công mạng gây tổn thất về tiền của, dữ liệu, thiết bị CNTT của DN. Nếu tin tặc tấn công vào hệ thống mạng của DN, chúng có thể giành quyền truy cập vào danh sách khách hàng, thông tin thẻ tín dụng của khách hàng hoặc thông tin ngân hàng của công ty,... Những tổn hại này không chỉ tác động đến chính phủ, các tập đoàn lớn mà còn với các SME. Các kết quả điều tra khác nhau cho thấy 22% SME là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.
Theo khảo sát “Growing businesses safely: Cloud adoption vs. security concerns” của Kaspersky năm 2018, 74% SME thừa nhận không chú trọng đến an ninh mạng.
Ngoài ra, khảo sát hơn 6.000 nhân viên từ các công ty khác nhau trên thế giới, từ SME đến các tập đoàn lớn cũng cho thấy trong 2 năm qua, chi phí cho mỗi vụ xâm phạm dữ liệu của DN đã tăng đáng kể.
Từ tháng 3/2017 đến tháng 2/2018, chi phí trung bình của một sự cố an ninh mạng đối với DN là 1,23 triệu USD. Đối với SME, trung bình mỗi sự cố tấn công mạng năm 2018 tiêu tốn của DN 120.000 USD - nhiều hơn 32.000 USD so với năm 2017.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Các cuộc tấn công mạng có thể gây ra hậu quả đáng kể cho các DN. Một khi khách hàng biết rằng thông tin của họ bị xâm phạm, danh tiếng của DN có thể bị suy giảm, và điều này đôi khi còn nặng nề hơn tổn thất về tiền. Báo cáo của chúng tôi cho thấy 43% các xâm phạm dữ liệu là do nhân viên thực hiện hoặc vì nhân viên vô ý, bất cẩn khiến tội phạm mạng có cơ hội truy cập mạng lưới công ty. Do đó, các SME nên chú trọng hơn vào hoạt động đào tạo an ninh mạng, cung cấp cho nhân viên những kiến thức cơ bản về bảo mật mạng”.
“Các SME tại Việt Nam đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và Chính phủ cũng đang nỗ lực rất nhiều để nâng cao nhận thức về những rủi ro trong quá trình chuyển đổi số hóa. Kaspersky nhận thấy rằng các SME đối mặt rất nhiều hạn chế về ngân sách và lao động”, ông Yeo chia sẻ thêm.
Theo đó, Kaspersky đề xuất những giải pháp mà các SME có thể áp dụng để tăng cường bảo mật mạng như: Thông báo với nhân viên CNTT của công ty về các mối đe dọa mạng; Thiết lập quy trình tại chỗ để tạo và lưu trữ/sao lưu dữ liệu an toàn; Kiểm soát truy cập dữ liệu của công ty; Cập nhật phần mềm lên phiên bản mới nhất cho tất cả các thiết bị. Thường xuyên cập nhật các bản vá có thể giúp công ty tránh được các mối đe dọa mạng.
Ngoài ra, sử dụng phần mềm chuyên nghiệp để bảo vệ dữ liệu cho DN. Kaspersky Small Office Security là giải pháp tiết kiệm giúp bảo vệ máy tính xách tay, máy tính để bàn và máy chủ cũng như các thiết bị Android chống lại phần mềm độc hại. Sản phẩm cũng giúp các SME chống lại hoạt động lừa đảo và các mối đe dọa Internet phổ biến khác, đồng thời tạo thêm lớp bảo mật cho các giao dịch ngân hàng và thanh toán.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)