SharePoint
Liên kết web
 
 

Thực trạng vi phạm bản quyền trên internet tại Nhật Bản

12/08/2019 15:53
(TTCNTT) - Trước đây, việc vi phạm bản quyền có phạm vi bó hẹp trong một quốc gia, nhưng ngày nay, với sự bùng nổ của cách mạng cộng nghệ thì có thể lan rộng trên toàn thế giới. Ai trong số chúng ta cũng có thể trở thành “đối tượng” vi phạm bản quyền, chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh.

Thị trường phần mềm video của Nhật Bản bị ảnh hưởng lớn bởi vi phạm bản quyền trên Internet

Các chuyên gia của Nhật Bản dự và chia sẻ kinh nghiêm về xử lý vi phạm bản quyền trên internet

Hiệp hội phần mềm video Nhật Bản (JVA) được thành lập từ năm 1971, với 42 thành viên. Tính đến 1/7/2019, số lượng cửa hàng thành viên trong hệ thống cho thuê video của JVA là 2.681. Kết thúc năm 2018, doanh thu bán hàng của các nhà sản xuất, thành viên của JVA đạt khoảng 180 tỷ yên. Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động chiếu phim (phim chiếu rạp) của Nhật Bản trong năm 2018 cũng đạt khoảng 220 tỷ yên. Điều này cho thấy phong cách tiêu dùng và thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của người dân Nhật Bản vẫn thiên về việc sở hữu những chiếc đĩa (video). Ngành công nghiệp sản xuất video tại Nhật Bản vẫn tiếp tục thịnh hành, tuy nhiên, nếu so với doanh thu của những năm trước đây, thì con số khoảng 180 tỷ yên của năm 2018 lại khá khiêm tốn. Năm 2004, JVA có doanh thu tới 375 tỷ yên.

Ngược lại với sự sụt giảm về doanh thu bán hàng của các nhà sản xuất video đến từ JVA, là sự gia tăng của cộng động những người sử dụng và chia sẻ các đường link có chứa các nội dung vi phạm bản quyền. Ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh JVA cho biết, hiện tại ở Nhật có tới hơn 90 nghìn người đang sử dụng và tích cực chia sẻ những đường link có chứa nội dung vi phạm luật bản quyền tác giả trên môi trường internet. Số lượng người dùng không ngừng gia tăng và ở mọi độ tuổi, mọi thành phần. Đặc biệt, có không ít người tham gia không phải vì mục đích kinh tế (kiếm tiền quảng cáo) mà họ tham gia vì yếu tố tinh thần, thỏa mãn cái tôi cá nhân cũng như sự kỳ vọng của các thành viên khác.

Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản sẵn sàng quay (thu) lại một bộ phim được phát sóng trên truyền hình rồi chia sẻ lại trên một đường link cho cộng đồng mạng cùng xem, mặc dù họ biết điều này vi phạm pháp luật.

Khó khăn trong việc giải quyết

Trong 10 năm qua tại Nhật Bản có sự thay đổi về tình trạng các vụ vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Từ năm 2009 đến năm 2015 đều ghi nhận sự gia tăng về số vụ bắt giữ và số vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ 2015 đến 2018, có sự thuyên giảm về số vụ bắt giữ cũng như số vụ vi phạm. Năm 2018, ghi nhận 514 vụ bắt giữ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (626 số người bị bắt giữ), trong đó có tới 428 vụ liên quan đến internet. Trước đó năm 2017 là 515 vụ, 2016 là 594 vụ…. Năm 2018 có tất cả 19 vụ án hình sự xử lý về việc vi phạm bản quyền trên internet, trong đó, có 13 vụ xử lý về việc tải lên bất hợp pháp các nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh JVA chia sẻ tại hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Hội thảo do Cục Bản quyền tác giả (COV) và CODA phối hợp tổ chức.

Năm 2011, lần đầu tiên cảnh sát Nhật Bản tiến hành bắt giữ 02 người (sinh viên đại học) vi phạm việc chia sẻ link có nội dung có bản quyền. Việc này cũng đã gây tiếng vang lớn bởi lần đầu tiên một quốc gia trên thế giới tiến hành bắt giữ người vi phạm bản quyền vì lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp.

Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh JVA cho biết ở Nhật Bản, tất cả các cơ quan cảnh sát (cảnh sát ở 47 tỉnh thành – PV) đều có quyền điều tra những vụ việc liên quan đến vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Khi cảnh sát tiến hành bắt giữ một vụ việc nào đó đều có truyền thông đến đưa tin. Việc truyền thông rộng rãi trên các phương tiện để nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, để họ biết và tránh vi phạm.

"Như chúng ta đã biết, Nhật Bản là quốc gia nghèo nàn về tài nguyên, vì vậy chúng tôi rất coi trọng và đề cao sự sáng tạo của con người. Sự sáng tạo, tư duy sáng tạo của con người chính là nguồn tài nguyên quý báu nhất và cũng cần được bảo vệ tốt nhất", ông Masaharu Ina, Trường phòng Bảo vệ bản quyền ở nước ngoài, Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) chia sẻ.

Ông Masaharu Ina có phần chia sẻ tại hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan

Tuy nhiên, cũng theo Masaharu Ina, hiện tại ở Nhật Bản, việc xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền trên internet vẫn còn vướng về mặt pháp lý. Cụ thể, CODA, JVA và một số tổ chức khác đã có đề xuất lên Chính phủ Nhật Bản yêu cầu đóng cửa các trang web có chứa nhiều link vi phạm bản quyền; các trang web cung cấp các bộ phim, truyện tranh có bản quyền nhưng bị thu lại rồi tải lên để thu hút người dùng và kiếm tiền từ việc quảng cáo… nhưng đề xuất này cũng vấp phải nhiều sự phản đối vì cho rằng như vậy là vi phạm luật an ninh mạng hay quyền tự do cá nhân…Vì vậy, vấn đề này vẫn đang dừng lại ở việc đề xuất.

Đồng quan điểm này với CODA, ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh JVA cũng phân tích thêm rằng, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, việc xử lý hay bắt giữ các vụ vi phạm bản quyền trên internet không chỉ còn là việc của một quốc gia nữa, mà cần phải có sự hợp tác bởi các quốc gia. Vì hiện tại có rất nhiều các trang web vi phạm luật bản quyền tại Nhật Bản nhưng lại được cấp tên miền ở Mỹ, máy chủ đặt tại Trung Quốc…chẳng hạn. "Internet là môi trường không có biên giới. Do đó cần có sự hợp tác quốc tế, sự chung tay của các nước trong việc bảo vệ quyền tác giả trên không gian ảo", ông Shun Takagi nhấn mạnh.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây