SharePoint
Liên kết web
 
 

Cần tận dụng những thế mạnh của công nghệ 4.0 để có thể thúc đẩy hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

07/08/2019 07:36
(TTCNTT) - Ngày 6/8, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân đã tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”. Buổi tọa đàm này nhằm góp thêm một tiếng nói về vai trò cũng như tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, nhằm làm đòn bẩy phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn.

Vai trò của nhạc trưởng

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã và đang trở thành một công cụ vô cùng hiệu quả để thu hút, thuyết phục du khách đến điểm du lịch, là yếu tố thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Chính vì vậy, quảng bá du lịch đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong việc phát triển du lịch hiện nay. Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Việt Nam ở giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

 

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh Nhân dân điện tử

Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, du lịch Việt Nam có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 10 triệu lượt (tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2018); tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng (tăng 8,67% so cùng kỳ năm 2018). Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Cùng với sự phát triển đầy khả quan và triển vọng của ngành du lịch nước nhà, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch, cũng như chưa ngang tầm với các nước trong khu vực.

Phát biểu tại buổi tọa đàm này ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Trans Viet cho rằng, ngân sách của chúng ta hiện nay dành cho hoạt động xúc tiến, quảng bá còn khá khiêm tốn, chỉ tầm 2 triệu USD, trong khi các nước tại khu vực thôi cũng đã dành ra cả hơn 100 triệu USD. "Chúng ta chỉ bằng 1/50 so với các bạn. Như vậy," cái khó bó cái khôn". Mà chi tiêu lại phân tán, chưa tập trung. Sắp tới, chúng ta có thể ra đời Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được Nhà nước dành cho ngân sách khá lớn, tầm 300 tỷ và huy động các nguồn lực khác. Tôi băn khoăn rằng, có tiền rồi thì chúng ta có thể tiêu tiền hiệu quả không. Cơ quan nhà nước cần có chiến lược tổng thể, bài bản, sẽ phải đóng vai trò nhạc trưởng. Chúng ta cũng cần gắn du lịch với văn hoá", ông Đạt phân tích.

Phó Giám đốc Trans Viet cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò của nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong công tác này.

Đánh giá về hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian qua, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng có thể gói gọn trong hai từ là "phấn khởi nhưng rất vất vả".

Phấn khởi là vì, chưa lúc nào ngành du lịch lại nhận được sự quan tâm lớn như hiện nay. Nhưng vất vả vì hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam chưa có tính chuyên nghiệp, chưa nhiều kinh nghiệm, con người còn yếu và kinh phí còn thấp.

Còn nhiều việc phải làm nữa

Nói về bức tranh toàn cảnh của xúc tiến, quảng bá du lịch tại Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) nhận xét rằng, "một điểm chung trong thời gian vừa qua còn vất vả và nhiều việc còn chưa hài lòng. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy đã có những bước tiến so với những năm trước đây.

 

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm - Ảnh Nhân dân điện tử

Thí dụ như, trước đây, chúng ta đi dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Berlin (Đức) hay WTM ở London (Anh), gian hàng Việt Nam gần như chưa nổi bật và chưa có tính chuyên nghiệp, nhưng 2-3 năm gần đây, gian hàng của chúng ta gây ấn tượng tốt. Thực tế, Ban tổ chức hội chợ ITB ở Berlin cũng đã xin gặp làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch để bàn việc đưa ra những hình ảnh tốt đẹp hơn trong thời gian tới. Rõ ràng, đây là bước chuyển mình. Tôi cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục hướng này thì công tác quảng bá xúc tiến du lịch sẽ có hiệu quả hơn. Tất nhiên, sẽ còn còn nhiều việc còn phải làm nữa".

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist, thời gian qua hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng.

Ông Phùng Quang Thắng cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam thời gian qua: Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, thì hình ảnh, nhận diện của du lịch Việt Nam chưa được rõ ràng. Thí dụ, khi nói đến Bali thì người ta hình dung ra Indonesia…. Riêng điều này, chúng ta chưa làm rõ ràng được. Tiếp đến việc triển khai xúc tiến quảng bá song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến quảng bá của mình để thu hút khách du lịch còn hạn chế...

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho rằng để quảng bá xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp về du lịch phải ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ khó khăn cũng như phát triển hơn nữa thế mạnh, đặc thù du lịch mà chúng ta đang có. Đồng thời cần phải tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong thời đại 4.0 để có thể thúc đẩy hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây