SharePoint
Liên kết web
 
 

Chỉ 10% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương có kết nối với nhau

29/07/2019 07:46
(TTCNTT) - Theo Văn phòng Chính phủ, khảo sát của cơ quan này năm 2018 cho thấy, trong khoảng 700 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương, chỉ có khoảng 70 hệ thống được kết nối với nhau, chiếm tỷ lệ 10%.

Kết quả khảo sát của Văn phòng Chính phủ năm 2018 cũng chỉ ra rằng, ngay với 70 hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) tại các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối với nhau, hầu hết chỉ kết nối trong ngành, lĩnh vực hoặc nội bộ của bộ, ngành, địa phương và chủ yếu là kết nối trực tiếp, chưa có các kết nối, chia sẻ liên bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do: thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu (31/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 46,9%); thiếu dữ liệu (27/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 40,9%); thiếu nền tảng kết nối, chia sẻ (49/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 74,3%); dữ liệu chưa được chuẩn hóa (47/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 71,2%); và thiếu chuẩn kết nối, chia sẻ (28/66 đơn vị, chiếm tỷ lệ 57,5%).

Thông tin cụ thể hơn về hiện trạng triển khai các CSDL quốc gia, theo Văn phòng Chính phủ, đến nay, có hơn 40 CSDL quốc gia được giao cho các bộ, ngành triển khai; trong đó, có nhiều CSDL quốc gia đã được hình thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng.

Riêng với các CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bên cạnh CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đã được triển khai từ năm 2010 và hiện đã cập nhật dữ liệu của hơn 1 triệu doanh nghiệp trong cả nước, các CSDL quốc gia nền tảng còn lại như Dân cư, Đất đai, Tài chính, Bảo hiểm... vẫn đang trong giai đoạn triển khai, chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã và đang xây dựng các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng, kết nối của các CSDL quốc gia nhằm tạo hành pháp lý cho việc triển khai các CSDL này.

Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ, quá trình triển khai các CSDL quốc gia ưu tiên, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: thiếu các quy định pháp lý về thu thập, cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng dữ liệu; về giá trị pháp lý của dữ liệu và vai trò của CSDL quốc gia trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và trong phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; thiếu các quy định kỹ thuật phục vụ kết nối, khai thác thông tin từ các CSDL quốc gia, quy định về chuẩn hóa các HTTT, CSDL …

Đối với việc triển khai các HTTT, CSDL có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương, theo số liệu tổng hợp của Bộ TT&TT, hiện có 103 HTTT, CSDL có quy mô, phạm vi triển khai từ Trung ương đến địa phương đã, đang và sẽ triển khai. Hầu hết các HTTT, CSDL đều triển khai theo hình thức tập trung, sử dụng các ứng dụng dùng chung cho các đơn vị trực thuộc, một số đơn vị sử dụng phương án phân tán, kết nối tập trung theo hướng trục kết nối nội bộ của bộ, ngành, địa phương hoặc kết nối qua các dịch vụ Web, chẳng hạn như: liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, liên thông dữ liệu ngành tài chính…

Bên cạnh các hệ thống đang được vận hành tốt và ổn định vẫn còn nhiều hệ thống chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cũng như khả năng kết nối, chia sẻ; các ứng dụng đã và đang triển khai kết nối, liên thông, tuy nhiên chỉ trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

Văn phòng Chính phủ nhận định, mặc dù ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được triển khai rộng rãi, tuy nhiên việc xây dựng và phát triển các HTTT, CSDL tại các bộ, ngành, địa phương còn mang tính chất đóng, triển khai riêng lẻ, thiếu tính kết nối, dẫn đến tình trạng khó chia sẻ, tích hợp dữ liệu.

Được biết, với hiện trạng trên, để tăng cường khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước nhằm tạo ra chuyển biến tích cực trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như đảm bảo hạ tầng CNTT của bộ, ngành, địa phương, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu trong xây dựng Chính phủ điện tử, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Giải pháp tích hợp, chia sẻ và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương”.

Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Với hiện trạng ứng dụng CNTT, thực trạng kết nối, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện nay, yêu cầu cấp bách thời gian tới là phải đưa ra các giải pháp cũng như các nhiệm vụ cụ thể để khắc phục tình trạng cát cứ thông tin, thúc đẩy khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan hành chính nhà nước, tạo ra các công cụ và ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, từng bước tạo ra nền tảng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho việc triển khai Chính phủ điện tử nói chung và việc triển khai các dự án mang tính chất nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số trong thời gian tới”.

 (Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây