Năm nay là năm thứ 4 chương trình được triển khai cùng chuỗi sự kiện Ngày ATTT Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT và sự phối hợp của Cục ATTT - Bộ TTTT.
Giới thiệu về chương trình năm nay, ông Vũ Quốc Khánh, Uỷ viên Ban chấp hành VNISA cho biết đây là lần đầu tiên Ban tổ chức bình chọn gặp mặt báo chí công bố chính thức. Qua 3 lần bình chọn từ năm 2015, đã có 19 sản phẩm, dịch vụ (SPDV) chất lượng cao mới, xuất sắc.
Qua theo dõi và khảo sát của VNISA cũng như phản hồi của các DN có SPDV được vinh danh thì các SPDV đã nhận được sự quan tâm, tỷ lệ thị trường đạt được tăng lên 20 – 25%, có DN đã ký được nhiều hợp đồng sau 6 tháng SPDV được bình chọn. Điều đó cho thấy sự khả quan của quảng bá SPDV ATTT.
Trong quá trình chuyển đổi số, việc bình chọn SPDV ATTT rất quan trọng, đảm bảo, nâng cao ATTT của đất nước, cơ quan DN. Theo đó, không thể thiếu được việc hình thành nền công nghiệp ATTT. Sự phát triển SPDV ATTT nội địa cho thấy tầm quan trọng của việc các DN nghiên cứu SPDV, mở rộng chủng loại để thay thế các sản phẩm ngoại nhập.
Thay mặt Cục ATTT, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng cho biết công tác bình chọn trong 4 năm liên tục vừa qua thường xuyên thay đổi để hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao nhận thức về ATTT.
"ATTT là lĩnh vực đang được Bộ TTTT đặc biệt quan tâm với hai chủ trương lớn là “Make in Vietnam” và đưa Việt Nam trở thành trung tâm ATTT của khu vực ASEAN. Theo đó, phải có những DN sản xuất SPDV ATTT hàng đầu trong khu vực. Chúng ta đang có một số DN đang tiên phong như Bkav, CMC, Viettel có những SPDV phổ biến", ông Tiến cho hay.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã cấp phép cho 67 DN sản xuất SPDV ATTT và mong muốn tạo thị trường cho các DN này. Bộ TTTT cũng sẽ lắng nghe các ý kiến của DN để tháo gỡ khó khăn cho thị trường phát triển.
Ông Tiến cũng cho biết việc bình chọn là thước đo để tổ chức, cá nhân thuê, sử dụng SPDV ATTT của Việt Nam. Ban Tổ chức bình chọn Khuyến khích DN khởi nghiệp tham gia vào bình chọn để phát hiện những SPDV tiềm năng.
Những điểm mới của chương trình
Năm nay, Chương trình trao tặng thêm 01 danh hiệu là “Sản phẩm ATTT mới xuất sắc” cùng với 02 danh hiệu từ các năm trước là “Sản phẩm ATTT chất lượng cao” và “Dịch vụ ATTTT tiêu biểu”.
Các danh hiệu này được coi là chứng chỉ chuyên ngành tin cậy, khẳng định và tôn vinh chất lượng, tính ưu việt, hiệu quả của SPDV ATTT của tổ chức, DN Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả bình chọn của Chương trình, Bộ TTTT sẽ lựa chọn các SPDV để đưa vào danh mục các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT mạng nội địa ưu tiên sử dụng trong các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên và các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử theo Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Chương trình bình chọn 2019 sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí để thực hiện các hoạt động truyền thông liên tục suốt trong năm. Qua đó, chương trình góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTT, thúc đẩy sử dụng các SPDV ATTT nội địa trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ATTT Việt Nam mở rộng thị trường đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của DN trong bảo đảm chất lượng SPDV.
Các SPDV đạt Danh hiệu năm 2019 cũng sẽ được VNISA gửi thư giới thiệu trực tiếp đến trên 2000 cơ quan thuộc Bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và các DN lớn trên địa bàn cả nước, tạo thêm cầu nối cho DN với khách hành nhằm giúp các khách hàng tin tưởng lựa chọn sử dụng.
Ngoài ra, còn có những hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác cho các sản phẩm được công nhận Danh hiệu với các cơ quan, tổ chức, DN, người sử dụng thông qua những hoạt động hội nghị, hội thảo, kết nối sẽ được đẩy mạnh trong suốt năm 2019 - 2020.
Hội đồng bình chọn năm 2019 đã được thành lập và có phiên họp lần thứ Nhất ngày 23/7 tại Hà Nội có tương tác trực tuyến với TP. Hồ Chí Minh. Hội đồng bình chọn gồm 17 thành viên là các nhà quản lý, chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực ATTT trong cả nước, thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, một số trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức, DN lớn trong lĩnh vực CNTT, ATTT.
Hội đồng đã trao đổi và thống nhất về Bộ tiêu chí bình chọn SPDV ATTT năm 2019; thống nhất một số nguyên tắc đánh giá năng lực của tổ chức, DN có SPDV tham gia bình chọn. Việc tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ATTT tin (do VNISA ban hành) cũng là một tiêu chí được Hội đồng nhất trí cao sẽ đưa vào nội dung đánh giá, bình chọn năm nay.
Quá trình đánh giá, kiểm định các sản phẩm, dịch vụ ATTT sẽ có sự tham gia của các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, trung tâm kiểm định của các tổ chức, DN CNTT, ATTT.
Nối tiếp thành công của những năm trước, Chương trình bình chọn năm 2019 đã được VNISA triển khai trên toàn quốc với đối tượng tham gia là những SPDV về bảo đảm ATTT; sản phẩm CNTT và ứng dụng CNTT có tính năng an toàn, bảo mật cao. Đây là những SPDV hoàn chỉnh có tính năng chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin, xuất xứ từ Việt Nam, do DN, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ.
Các tiêu chí bình chọn
Với danh hiệu "Sản phẩm ATTT chất lượng cao”, các tiêu chí bình chọn chính gồm: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ và chất lượng sản phẩm; Tính mới, công nghệ sáng tạo, tỷ lệ nội địa hóa; Thị trường và dịch vụ hỗ trợ; Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; So sánh giá cả trên tính năng; Phản hồi của thị trường,…
Với danh hiệu “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” các tiêu chí bình chọn chính gồm: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ và nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ; Tính quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan; Thị trường và quy mô triển khai dịch vụ: Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; Đầu tư phát triển dịch vụ; So sánh giá cả trên hiệu quả áp dụng; Phản hồi của thị trường…
Nhằm khuyến khích các SPDV ATTT mới, có tính sáng tạo cao, Hội đồng bình chọn sẽ đánh giá và đề nghị chứng nhận thêm danh hiệu “Sản phẩm ATTT mới xuất sắc”. Danh hiệu này được trao cho các sản phẩm ATTT nội địa mới, là kết quả nghiên cứu - phát triển có chất lượng cao, đang trong quá trình thương mại hóa và cung cấp ra thị trường.
Việc bình chọn được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bao gồm các bước:
- Chọn lọc sơ bộ (sơ tuyển): Xem xét đánh các hồ sơ đăng ký hợp lệ và đáp ứng yêu cầu để trình hội đồng đưa vào vòng thẩm định, đánh giá kỹ thuật.
- Thẩm định, đánh giá kỹ thuật (thẩm định): Tùy theo đặc thù của sản phẩm và dịch vụ, Hội đồng bình chọn (với sự hỗ trợ của các Tổ kỹ thuật) sẽ tổ chức thẩm định tính đúng đắn của hồ sơ và kiểm nghiệm các tính năng ATTT của các sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở thẩm định hồ sơ kỹ thuật và đánh giá kiểm định thực tế.
- Bước đánh giá bình chọn SPDV (Chung tuyển): Hội đồng tiến hành chấm điểm SPDV theo tiêu chí đã được thống nhất, dựa trên thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả thẩm định của tổ kỹ thuật. Việc chấm điểm bảo đảm nguyên tắc độc lập, công bằng, khách quan.
Hội đồng bình chọn sẽ đề xuất Chủ tịch VNISA ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, DN có sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng theo yêu cầu.
Thời gian nhận hồ sơ bình chọn từ ngày 30/06/2019 - 15/08/2019.
Quy chế bình chọn, Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bình chọn có thể tải trực tiếp từ website: www.binhchon.vnisa.org.vn
Lễ Công bố và trao các danh hiệu bình chọn sẽ được tổ chức trong phiên toàn thể của Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày ATTT Việt Nam 2019, tổ chức vào ngày 29/11/2019 tại Hà Nội.
Năm 2018, Chương trình bình chọn đã công nhận và tôn vinh các SPDV đạt Danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao” (04 sản phẩm), “Sản phẩm ATTT mới xuất sắc” (08 dịch vụ) và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” (07 sản phẩm).
Tập đoàn VNPT là nhà tại trợ chính đã đồng hành cùng Chương trình bình chọn của VNISA năm 2018 và 2019.
(Nguồn: ctnews.vn)