SharePoint
Liên kết web
 
 

Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đào tạo về IPv6 cho các tổ chức, cơ quan Nhà nước khu vực phía Nam

18/07/2019 15:04
(TTCNTT) - Tiếp nối thành công chương trình đào tạo về IPv6 tại khu vực Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang IPv6, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức chương trình đào tạo về IPv6 cho các cơ quan Nhà nước khu vực phía Nam trong 2 ngày 10-11/7/2019. Đây là hoạt động nằm trong phạm vi chương trình Hỗ trợ triển khai IPv6 cho cơ quan Nhà nước (IPv6 for Gov), hoàn thành mục tiêu đào tạo, tập huấn về IPv6 cho toàn bộ các Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) trên cả nước.

Theo đó, chương trình đào tạo về IPv6 dành cho các cơ quan Nhà nước khu vực phía Bắc cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quy hoạch, triển khai hệ thống, mạng lưới, dịch vụ trên nền tảng công nghệ IPv6. Các học viên tham dự chương trình có thể sử dụng kiến thức đã được đào tạo, tập huấn để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và triển khai mạng IPv6 phù hợp cho đơn vị của mình. 

Tại chương trình đào tạo, đại diện Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh và Sở TT&TT tỉnh Long An cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi IPv6 khi là hai Sở TT&TT đầu tiên trên địa bàn hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho cả cổng thông tin điện tử của đơn vị và cổng thông tin điện tử của tỉnh/ thành phố.

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh thành phố đã chuyển đổi thành công sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 34 cổng thông tin điện tử dưới tên miền .gov.vn đã hoạt động với IPv6. Một số đơn vị đã chủ động đề xuất chương trình làm việc trực tiếp với VNNIC để được tư vấn về xây dựng kế hoạch và cách thức triển khai công nghệ IPv6. Trong tháng 7/2019, VNNIC đã đến làm việc trực tiếp với Sở TT&TT tỉnh Đắk Nông và Sở TT&TT tỉnh Bình Phước để hướng dẫn đơn vị về lộ trình chuyển đổi IPv6. Dựa trên mô hình mạng thực tế của các đơn vị, VNNIC đã đưa ra các phương án chuyển đổi, sử dụng địa chỉ IPv4, IPv6 và số hiệu mạng (ASN) độc lập để kiến trúc lại hạ tầng mạng lưới, thiết lập hệ thống mạng độc lập.

Việc triển khai tốt IPv6 tại Việt Nam như hiện tại không chỉ phản ánh hiện trạng phát triển Internet quốc gia, góp phần khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế mà còn thể hiện mục tiêu cao, sứ mạng mới gắn liền với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển Internet an toàn, bền vững. Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ TT&TT, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 trên thế giới về ứng dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 với tỉ lệ triển khai IPv6 đạt 38,98%.

Để hướng tới hoàn thành tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với mục tiêu “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019”, công tác chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam cần có sự tích cực và bứt phá hơn nữa ở khối cơ quan Nhà nước. Trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục hỗ trợ và làm việc trực tiếp với các cơ quan Nhà nước, góp phần đảm bảo hạ tầng Internet quốc gia phát triển trên nền tảng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. 

 (Nguồn: http://mic.gov.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây