(TTCNTT) - Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, theo dự báo, nếu không chuyển đổi số, mức tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam trong nhưng những năm tới khoảng 5 – 6%, nhưng nhờ chuyển đổi số mà chúng ta có thể tăng năng suất lên 8 – 10%.
Cũng theo đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, công cuộc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, trong đó có thể kể đến những thách thức lớn như: các doanh nghiệp sẽ bị phá sản nhiều hơn nếu chậm chuyển đổi số, an ninh mạng, thiếu nhân lực, vấn đề bảo vệ tính riêng tư hay nguy cơ bị mất việc làm trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thuộc Bộ TT&TT đang trực tiếp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam có những cơ hội rất lớn để bứt phá, phát triển trong công cuộc chuyển đổi số.
Phân tích cụ thể về cơ hội để Việt Nam có thể tăng năng suất lao động nhờ chuyển đổi số, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, theo dự báo, Việt Nam nếu không chuyển đổi số thì tăng năng suất lao động trung bình trong nhưng những năm tới khoảng 5 – 6%, nhưng nhờ chuyển đổi số mà chúng ta có thể tăng năng suất lên 8 – 10%. “Khi tăng được năng suất lao động lên từ 8 – 10% nhờ chuyển đổi số, Việt Nam có khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình”, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng nhờ chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có cơ hội để tiến hành thông minh hóa các lĩnh vực kinh tế xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ, đặc biệt là tăng cường và nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam xếp thứ 77 trên thế giới, thứ 6 ASEAN. Nếu đẩy mạnh chuyển đổi số, theo đại diện Cục Tin học hóa, Việt Nam sẽ có khả năng đưa năng lực cạnh tranh quốc gia vươn lên đứng ở vị trí Top 3, Top 4 khu vực ASEAN trong thời gian tới.
Đề cập đến cơ hội trong xã hội, đại diện Cục Tin học hóa cho rằng, nhờ chuyển đổi số, sẽ công khai, minh bạch được hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giảm tham nhũng. “Khi đó, chúng ta sẽ có được một Chính phủ hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn và đặc biệt là nhờ chuyển đổi số có thể thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách số. Đó là những cơ hội rất lớn mà chuyển đổi số sẽ mang lại cho Việt Nam”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
Đánh giá về hiện trạng của Việt Nam, theo dự thảo 1.05 của Đề án chuyển số quốc gia, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quá trình đổi mới đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ thu nhập của người dân là năng suất lao động. Năng suất lao động người Việt Nam còn rất thấp, ngay cả so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, theo báo cáo phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động bình quân của một người Việt Nam bằng 1/23 người Singapore, bằng 1/6 người Malaysia, bằng 1/3 người Thái Lan. Nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp là năng lực người lao động (kiến thức, kỹ năng lao động) còn thấp, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh hạn chế.
Theo đánh giá về chỉ số nguồn nhân lực của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đối với các nước ASEAN năm 2016, 41% nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá có kỹ năng thấp, chỉ có 10% được đánh giá có kỹ năng cao. Báo cáo “Mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất” được WEF công bố vào tháng 1/2018 cho thấy, Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia sẵn sàng cho nền kinh tế sản xuất tương lai. Trong đó, một số chỉ số được đánh giá yếu kém như “Chỉ số công nghệ và đổi mới” xếp hạng thứ 90/100; chỉ số “Vốn con người” xếp hạng thứ 70/100. Các chỉ số thành phần như “Tiếp thu công nghệ ở doanh nghiệp”, “Tác động của ICT đến dịch vụ và sản phẩm mới”, “Năng lực đổi mới” xếp hạng lần lượt là 78/100, 70/100 và 77/100.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức về mất việc làm trong bối cảnh chịu sự tác động của trí tuệ nhân tạo cũng như robot. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa trong hai thập kỷ tới. Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tỉ lệ cao nhân công làm việc trong các lĩnh vực may mặc, nông nghiệp và bán lẻ, đây là những ngành có rủi ro bị thay thế cao.
(Nguồn: ictnews.vn)