(TTCNTT) - Các tập đoàn về công nghệ, vệ tinh trên toàn cầu đã phóng hệ thống chùm vệ tinh băng tần Ka và chùm vệ tinh phi địa tĩnh với tham vọng cung cấp dịch vụ viễn thông giá rẻ cho hàng tỷ người dân trên toàn cầu.
Thông tin trên được nhấn mạnh tại hội thảo với chủ đề "Những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Vệ tinh toàn cầu (GSC) tổ chức sáng 28/6. Hội thảo có sự tham dự của cơ quan quản lý viễn thông một số nước trong khu vực và doanh nghiệp vệ tinh hàng đầu thế giới.
Theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), SpaceX (Tập đoàn công nghệ khai phá không gian có trụ sở tại Mỹ của tỷ phú Elon Musk) đã công bố kế hoạch triển khai chùm 12.000 quả vệ tinh và đã phóng thử nghiệm hơn 60 quả. Công ty OneWeb (trụ sở tại Mỹ) có kế hoạch triển khai 720 quả vệ tinh và đã phóng thử nghiệm 6 quả lên vũ trụ.
Viện Nghiên cứu quốc phòng Mỹ (IDA) dự báo, trong vòng 10 năm tới, các tiến bộ về công nghệ vệ tinh sẽ được thương mại hóa và thế giới sẽ hình thành ít nhất một chùm gồm nhiều vệ tinh cung cấp dịch vụ internet giá rẻ trên toàn cầu. Do vậy, xu hướng phát triển của lĩnh vực công nghiệp vệ tinh đang đặt ra câu hỏi về yêu cầu phổ tần số và khả năng tác động đến thị thường viễn thông. Đó cũng là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước và ngành viễn thông Việt Nam trong việc định hướng chiến lược phát triển các hệ thống vệ tinh trong tương lai.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, các dự báo cho thấy, trong những năm tới, nhu cầu tiêu dùng dữ liệu tiếp tục tăng mạnh. Trong 6 năm tới, nhu cầu sử dụng dữ liệu băng rộng di động tăng tới 5 lần. Với lợi thế vùng phủ toàn cầu, nếu thành công, các hệ thống vệ tinh này sẽ làm thay đổi môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, thậm chí có thể làm thay đổi trật tự truyền thống trong lĩnh vực này.
(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)