SharePoint
Liên kết web
 
 

Cần những giải pháp cho du lịch trực tuyến

28/06/2019 13:29
(TTCNTT) - Ngày Du lịch trực tuyến 2019 với chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến” là sự kiện lớn được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đồng tổ chức diễn ra ngày 26/6/2019 tại Hà Nội.

Sự kiện được tổ chức 2 năm 1 lần và năm 2019 gồm 4 phiên: Bùng nổ của du lịch trực tuyến; Nắm bắt hành vi du khách online; Các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến và Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhấn mạnh: “Năm 2018, TMĐT Việt Nam đã tiếp tục phát triển toàn diện, với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Với sự tăng trưởng cao liên tục từ năm 2015, chúng ta tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu 10 tỷ USD loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng vào năm 2020 nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020".

Ông Hưng cũng khẳng định: "Báo cáo chỉ số TMĐT 2019 cho thấy vẫn còn nhiều cản trở trong sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất bao gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế đặc biệt là chênh lệnh khoảng cách giữa các địa phương còn rất cao”.

Sự bùng nổ của du lịch trực tuyến

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch nhận định: “Cả thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của CMCN 4.0 đối với đất nước. Ứng dụng công nghệ toàn ngành nghề  đặc biệt trong ngành du lịch nước ta. Trong khoảng 10 năm trở lại đây các DN đã bắt đầu ứng dụng CNTT mạnh mẽ. Thế hệ trẻ sẽ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch nước nhà trong tương lai”.

Ông Bình cũng cho biết: Hiện nay tại Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến cao nhất là Nhật Bản 93%, Việt Nam là 66% và thấp nhất là Ấn Độ 34%.

Lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến, có 30% những người sử dụng Internet thường xuyên truy cập các trang web du lịch. Trong khi đó, khách du lịch đặt tour truyền thống giảm mạnh, từ 82% năm 2015 xuống còn 47% năm 2017.

Ông Bình nhấn mạnh: “Việc phát triển du lịch trực tuyến tại Việt Nam thì việc phát triển nền tảng kỹ thuật số là trọng tâm, như nền tảng kỹ thuật số điểm đến, cung cấp nhiều và nhanh thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, sự hấp dẫn làm tăng sự thu hút khách là cơ hội tăng trưởng du lịch trực tuyến là rất lớn làm tăng GDP và việc làm cho lao động trong nước”

Còn theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi dự đoán trong những năm tới Việt Nam có những thuận lợi do lượng người số người sử dụng Internet tăng từ người trẻ đến những người trung tuổi có nhận thức công nghệ rất lớn. Do sự thuận lợi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đặc biệt với sự triển khai mạng 5G sẽ làm tăng kết nối Internet.

Nắm bắt hành vi du khách online

Nhu cầu của khách quyết định đến việc cung cấp dịch vụ sản phẩm, tuy nhiên, làm thế nào để có thể biết tâm lý du khách đồng thời tối ưu hóa được chi phí cho doanh nghiệp.

Về trải nghiệm du khách trong thời đại số, bà Nguyễn Thảo Anh, đại diện của Tripi, cho biết: Hiện nay và trong tương lai xu thế du lịch trải nghiệm sẽ chiếm thị phần cao. Du khách có thể tương tác qua trực tuyến tìm hiểu các thông tin và tự tạo cho mình các lịch trình mang lại giá trị về tinh thần, kỹ năng sống và các trải nghiệm thực tế.

Theo khảo sát của Tripi hiện nay có 75% người trẻ tuổi đang sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến từ 18 - 34 tuổi. Sự xuất hiện của các khu lưu trú homestay đi sâu vào trải nghiệm khách hàng. Hiện Việt Nam đã có hơn 40.804 lưu trú homestay. Họ tương tác các dịch vụ trực tuyến trực tiếp đến các khách hàng.

Để nắm bắt được hành vi du khách trực tuyến (online), ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist khẳng định, Website chính là nơi tích hợp nghiệp vụ du lịch tốt nhất đến khách hàng online.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho du lịch

Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các loại hình kinh doanh trực tuyến mới.

Ông Timothy Hughes, Phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp Agoda nêu ý tưởng: Trong tương lai khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách hàng tương tác đa chiều, chúng ta phải có các công nghệ để người dùng cập nhật tất cả các thông tin họ muốn trải nghiệm. Theo đó, cần tăng cường sử dụng các công nghệ tăng tính tương tác, phản ứng nhanh, không phân biệt thời gian.

Ông cũng cho biết thêm tại Agoda đã có mặt trên 50 quốc gia, đang tập trung vào sử dụng công nghệ cho du lịch trực tuyến.

Việc ứng dụng công nghệ như tương tác xã hội (Social Chatbot), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo (VR) trong du lịch trực tuyến cũng được các đại biểu chia sẻ ý kiến.

Nhân lực cho du lịch trực tuyến còn khan hiếm

Một vấn đề được quan tâm nữa tại sự kiện là nguồn nhân lực về TMĐT đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú trọng để phát triển. Do đặc thù nên đòi hỏi nhóm lao động chuyên trách này vừa có kiến thức về công nghệ, lại phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời xu hướng mới.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo VITA, nguồn nhân lực hiện nay theo tiêu chuẩn CMCN 4.0 hiện nay còn chưa nhiều, chưa đáp ứng hết yêu cầu của ngành.

Cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn CMCN 4.0 còn chưa đủ nên chưa thể đào tạo ra nguồn nhân lực đúng theo tiêu chuẩn. Trong 8 nước ASEAN thì Việt Nam đứng thứ 4 về cơ sở hạ tầng CNTT, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Việt Nam phải tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để tận dụng trong ngành du lịch hướng tới một nền du lịch xanh, bảo vệ môi trường là xu hướng của du lịch toàn cầu trong tương lai.

Trong khuôn khổ "Ngày Du lịch trực tuyến 2019" đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch trực tuyến trong tương lai giữa VECOM và VITA; Giữa Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và TikTok.

Sau một ngày diễn ra khẩn trương với nhiều tham luận, nội dung được tập chung thảo luận. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM đã cam kết sẽ tiếp tục kết nối, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp phối hợp hành động để TMĐT nói chung, ngành du lịch trực tuyến nói riêng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

(Nguồn: http://ictvietnam.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây