SharePoint
Liên kết web
 
 

Tiền điện tử trên thuê bao di động - giải pháp cho các dịch vụ công

13/06/2019 15:16
(TTCNTT) - Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tiền điện tử trên thuê bao di động là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Với Chính phủ, TTĐT giúp tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm.

Mục tiêu phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới là quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử (TTDT). Nhiều lợi ích to lớn như, tiết kiệm thời gian chi phí và độ an toàn cao hơn cho người tiêu dùng. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Theo đó, hệ thống thanh toán điện tử (TTĐT) liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ USD/ngày, tăng trưởng 25% so với năm 2017.

Khảo sát của Công ty kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Số liệu trên cho thấy mặc dù TTĐT đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ lẻ. Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.

Ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ, sử dụng tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile money) sẽ là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Theo đó, thuê bao của các nhà mạng và công ty nội dung số được nạp tiền chung tài khoản viễn thông để thanh toán khi mua hàng hóa cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến khác. Mobile Money nhằm cung cấp cho những người chưa có tài khoản ngân hàng và cung cấp qua thiết bị di động với tính năng cung cấp các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán, lưu trữ tiền…

Trên thực tế, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30- 40%. Sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán thay tiền mặt sẽ giúp việc thanh toán của người tiêu dùng trở nên dễ dàng và đơn giản hơn, có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động được kết nối internet, mà không phải chuyển tiền, tiền mặt hoặc quẹt thẻ. Mobile money và các dịch vụ công phát triển sẽ góp phần thanh toán viện phí, học phí, chi trả an sinh xã hội, chi trả điện nước, dịch vụ môi trường.

Trên thế giới, tính đến cuối năm 2018, tiền di động đã có mặt ở 90 quốc gia với 866 triệu tài khoản đã đăng ký. Khách hàng thường xuyên sử dụng tiền di động chi tiêu là 206 USD/ tháng. Ước tính bình quân mỗi ngày có 1,3 tỉ USD được ngành công nghiệp tiền di dộng xử lý. Điều đáng chú ý là giá trị giao dịch điện tử tiền di động tăng trưởng gấp hai lần giá trị nạp/ rút tiền mặt.

Trước những lợi ích này Bộ Thông tin truyền thông tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm Mobile money. Việc thực hiện thí điểm sẽ lưu ý đảm bảo định danh khách hàng qua xác thực thông tin cá nhân thuê bao qua quản lý đăng ký SIM, đồng thời các nhà mạng sẽ phải quản lý mạng lưới đại lý như giám sát hoạt động đại lý, đảm bảo tính thanh khoản của đại lý.

 (Nguồn: congluan.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây