(TTCNTT) - Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, mọi thứ đều được số hóa, nên chỉ cần một chút sơ hở là có thể doanh nghiệp phải đối mặt ngay với những hậu quả khôn lường vì lượng dữ liệu bị thất thoát.
Có lẽ không cần phải đợi đến khi bị tấn công mạng hoặc thất thoát dữ liệu thì các doanh nghiệpmới hiểu được vấn đề đó đáng sợ thế nào.
Việt Nam luôn nằm trong Top bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới.
Trong năm 2018, Việt Nam thường xuyên lọt vào Top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất toàn cầu. Theo nghiên cứu tổng kết của Trend Micro, nhà phát triển giải pháp công nghệ chuyên về bảo mật dữ liệu hàng đầu thế giới, Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của tất cả các hình thức tấn công mạng nguy hiểm nhất hiện nay: Phần mềm độc hại, URL độc hại, ứng dụng độc hại, mã độc qua email, các phần mềm tài chính, đặc biệt là phần mềm ngân hàng…
Ước tính, mỗi đợt tấn công mạng có thể khiến doanh nghiệp Việt tổn thất hàng triệu USD vì các hoạt động bị ngưng trệ, bị thất thoát dữ liệu và tốn kém phải chi cho các biện pháp khắc phục sau đó. Vấn đề này thậm chí đã trở thành vấn nạn đáng lo lắng hàng đầu khiến chính phủ phải cân nhắc đến các biện pháp nghiêm khắc hơn về an ninh mạng.
Thất thoát dữ liệu và hậu quả khó tưởng tượng
Tin tức về tấn công mạng thường liệt kê những vụ nhằm vào các chính phủ hoặc doanh nghiệp lớn nổi tiếng, nhưng sự thật là tất cả người dùng hay doanh nghiệp nào sử dụng internet đều có thể lọt vào tầm ngắm của hacker. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại khu vực Đông Nam Á như Việt Nam hiện đang được cảnh báo là dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng nhất, bởi các doanh nghiệp này thường không có nhiều ngân sách đầu tư cho công nghệ dữ liệu và bảo mật hệ thống. Lỗ hổng này chính là miếng mồi ngon cho các cuộc tấn công mạng.
Khi xảy ra sự cố, việc thất thoát dữ liệu (Data breach) sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng nhất vì không thể đong đếm. Tội phạm vô hình khiến chúng ta thậm chí không biết mình đã bị mất những gì, bị lợi dụng hoặc gây hại ra sao. Đối vói doanh nghiệp, điều này còn nguy hiểm hơn vì dữ liệu thất thoát có thể liên quan đến nhân viên, đối tác, khách hàng… Vấn đề này đã đến lúc không thể lơ là được nữa, vì an toàn và sự sống còn của chính doanh nghiệp.
Bảo mật dữ liệu là xu hướng bắt buộc của doanh nghiệp
Có thể nói, công nghệ càng phát triển, doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội phát triển không biên giới, nhưng ngược lại càng phải đối mặt với nhiều mối nguy hơn, cả hữu hình và vô hình. Nếu như ngoài đời thực, một công ty phải có lớp cổng bảo vệ an ninh thì trong hệ thống mạng và dữ liệu, phải có nhiều lớp cổng chắc chắn hơn thế, và liên tục được cập nhật mới vì tội phạm mạng luôn biến đổi hình thức.
Theo số liệu mới nhất của Cục An toàn Dữ liệu (thuộc Bộ Thông tin Truyền thông), tính đến hết Quý 1/2019 thì tổng số các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam đã giảm 21,17% so với Quý 4/2018. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, mà là kết quả của chiến dịch xử lý mã độc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Cục An toàn Thông tin phối hợp với 2 thành phố triển khai. Câu chuyện cho thấy về tình hình căng thẳng thật sự của vấn đề an ninh mạng, đồng thời cũng chỉ ra rằng vẫn có đủ biện pháp để ngăn chặn hoặc xử lý vấn đề sớm nhất, để lại ít hậu quả nhất.
Trong bối cảnh "cạnh tranh 4.0" hiện nay, việc bảo mật dữ liệu đang là xu hướng bắt buộc, vì đó là thước đo đầu tiên cho uy tín của doanh nghiệp. Sự mất niềm tin của khách hàng với các thương hiệu lớn toàn cầu như Facebook, Google, Yahoo, Marriott… vì các vụ bê bối thất thoát dữ liệu dẫn đến những thiệt hại khổng lồ là bài học xương máu mà doanh nghiệp nào cũng cần ghi nhớ. Đây cũng là lý do chính mà hàng năm Trend Micro đều tổ chức chương trình hội thảo SecurityTRENDs để cập nhật các thông tin và giải pháp về bảo mật dữ liệu mới nhất cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, sắp tới hội thảo này sẽ được tổ chức vào ngày 4/6 tại Hà Nội và ngày 6/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay đề tài chính sẽ là nguy cơ thất thoát dữ liệu và các giải pháp phù hợp cho đặc thù của từng doanh nghiệp để ứng phó với vấn đề này.
(Nguồn: vov.vn)