Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (KSTTHC) - Văn phòng Chính phủ cho hay, triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Quyết định 28), đến nay, 100% các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Theo đánh giá của đơn vị này, thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực trong triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28, điển hình như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Phòng…
Thống kê cho thấy, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 27/9/2019 đã có 36.327 văn bản gửi và 105.325 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó có khoảng 7.919 văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ và có 5.839 văn bản là có chữ ký số.
Cũng trong thời gian qua, Vụ Tổ chức cán bộ - Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Vụ Hành chính, Trung tâm Tin học thuộc Văn phòng cùng Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn Viettel để hiệu chỉnh phần mềm quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH), tích hợp chữ ký số chuyên dùng đối với tất cả phiếu trình nội bộ và văn bản phát hành từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương đã nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, 47/95 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH, đang chạy chính thức; 30/95 cơ quan đang thực hiện nâng cấp phần mềm; và 18 cơ quan còn lại chưa có kế hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm.
Về phản hồi trạng thái xử lý văn bản, theo thống kê, đã có 83/95 đơn vị phản hồi từ 5 trạng thái trở lên; 10/95 Cơ quan đã phản hồi từ 3 - 5 trạng thái, 2/95 đơn vị phản hồi 1 trạng thái “Đã đến”. Theo quy định tại Quyết định 28, trạng thái xử lý văn bản bao gồm đã đến, đã tiếp nhận, đã chuyển xử lý, đang xử lý, đã hoàn thành, từ chối nhận (trả lại), thu hồi, xóa…
Cục KSTTHC cũng cho biết, đến nay đã có 34 bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối liên thông đơn vị cấp 2 có phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 6 đơn vị đã thực hiện kết nối liên thông đơn vị cấp 3 có phát sinh gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông (Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Kiên Giang, Lào Cai, Tiền Giang), chưa phát sinh đơn vị cấp 4 liên thông.
Đề cập đến vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Cục KSTTHC khẳng định, vấn đề này được Văn phòng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trung tâm Tin học đã phối hợp với Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT để thường xuyên ra soát, đánh giá an toàn bảo mật đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tối đa trong hệ thống.
Tuy nhiên, đánh giá về việc thực hiện Quyết định 28 của Chính phủ trong thời gian qua, Cục KSTTHC đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế như: còn nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí cho việc nâng cấp hệ thống; các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống QLVB&ĐH để gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Thông tư 01 năm 2019 của Bộ Nội vụ…
Cùng với đó, quá trình triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn phát sinh một số lỗi như: không gửi/nhận được văn bản; văn bản gửi không đến được nơi nhận; nhiều văn bản gửi qua Trục liên thông không tuân thủ thời gian gửi nhận; nhiều văn bản gửi qua Trục liên thông không được đính kèm tài liệu dẫn tới khó khăn trong quá trình phân công xử lý trong nội bộ các đơn vị, một văn bản gửi nhiều lần qua Trục liên thông văn bản quốc gia dẫn đến bộ phận tiếp nhận văn bản mất nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu....
(Nguồn: ictnews.vn)