SharePoint
Liên kết web
 
 

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: Đề cao điều kiện đảm bảo bí mật dữ liệu công dân

29/05/2019 16:13
(TTCNTT) - Ngày 28/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo việc xây dựng Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp cùng sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Có lộ trình khai thác, sử dụng phù hợp

Lãnh đạo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) toàn quốc theo Quyết định số 2173/QĐ-BTP, Bộ Tư pháp đã cố gắng triển khai đạt nhiều kết quả tích cực.

Chẳng hạn như xây dựng và mở rộng phạm vi sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, có kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, bước đầu tạo dựng được cơ sở dữ liệu hộ tịch từ việc đăng ký các sự kiện hộ tịch mới.

Nhưng phần lớn dữ liệu hộ tịch còn lại cần được thiết lập tạo nên cơ sở dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh – là các dữ liệu hộ tịch đã thiết lập trước đây đang được lưu trữ tại các sổ đăng ký hộ tịch cần được số hóa thì hầu hết các địa phương trên toàn quốc đều chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) cũng chưa được triển khai xây dựng đồng bộ, việc kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh giữa phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp với Bộ Công an triển khai từ năm 2016 đến nay song cơ sở pháp lý mới chỉ là một số quy định mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân và Quy chế phối hợp tạm thời giữa Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp).

Bởi thế, cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng CSDLHTĐT hoàn chỉnh bằng Nghị định này. Thực tiễn bước đầu có CSDLHTĐT cho thấy nhu cầu khai thác, sử dụng CSDLHTĐT là rất lớn, từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp đến tất cả cá nhân đều có nhu cầu khai thác, sử dụng CSDLHTĐT.

Có điều, do CSDLHTĐT chưa hoàn thiện nên Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị cần có lộ trình phù hợp. Trước mắt cho phép các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong phạm vi tỉnh có thể sử dụng, khai thác chéo các dữ liệu hộ tịch do cơ quan đăng ký hộ tịch khác trong cùng địa bàn tỉnh thiết lập, chưa cho phép khai thác, sử dụng dữ liệu hộ tịch do cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc địa bàn tỉnh khác thiết lập.

Việc kết nối với CSDLQGVDC đã được Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân quy định. Tuy nhiên, hiện chưa quy định cụ thể các trường thông tin mà CSDLQGVDC sẽ chia sẻ cho CSDLHTĐT. Để giải quyết vấn đề, Nghị định sẽ quy định quy trình kết nối để cung cấp dữ liệu khai sinh từ CSDLHTĐT cho CSDLQGVDC, đồng thời cấp số định danh cá nhân cho trẻ em; quy định các trường dữ liệu mà CSDLQGVDC có trách nhiệm cung cấp cho CSDLHTĐT.

CSDLHTĐT sẽ sẵn sàng để kết nối

Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng quan niệm, khi chưa có CSDLHTĐT hoàn chỉnh thì vẫn phải duy trì cơ sở dữ liệu giấy hiện hành, nhưng trong bối cảnh hiện nay phải thúc đẩy mạnh CSDLHTĐT. Tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế và trong nước, việc chuyển dữ liệu từ giấy sang điện tử có thể mất 10 năm, do đó cần chú ý quy trình, thủ tục xây dựng CSDLHTĐT có yêu cầu nào để xây dựng cơ sở dữ liệu này theo đúng quy định Luật Hộ tịch.

Về kết nối với CSDLQGVDC, ông Tụng chỉ ra chủ yếu liên quan đến cấp số định danh cá nhân nhưng CSDLQGVDC chưa xây dựng xong nên cần quy định mở sao cho khi xây dựng đồng bộ thì kết nối được.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, việc xây dựng CSDLHTĐT chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của Bộ, ngành Tư pháp, là cơ sở dữ liệu quan trọng cho ngành Tư pháp và cả nước.

Điểm thiết yếu nhất của cơ sở dữ liệu này liên quan nhiều đến địa phương, đến việc tổ chức thực hiện nên cần quy định để địa phương thực sự quan tâm đầu tư cho hộ tịch điện tử, sớm hướng tới xây dựng CSDLHTĐT trọn vẹn. Còn hiện nay CSDLHTĐT đã cơ bản có bước đầu, Bộ sẽ nâng cấp để vận hành tốt, để các cơ sở dữ liệu cần kết nối có thể kết nối dễ dàng. 

Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu rà soát thêm các quy định có liên quan tại các văn bản hướng dẫn thi hành để bảo đảm phù hợp với Luật Hộ tịch, cần thiết thì sửa đổi Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Bộ trưởng khẳng định ngành Tư pháp đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm khi bước đầu xây dựng CSDLHTĐT để bảo đảm thực hiện quy định liên quan của Luật Hộ tịch về dữ liệu hộ tịch điện tử từ ngày 1/1/2020, phục vụ công tác quản lý ngành… tuy số tiền đầu tư còn ít ỏi.

Về nội dung Nghị định, Bộ trưởng cơ bản nhất trí sẽ quy định chủ yếu về xây dựng, quản lý, vận hành CSDLHTĐT nhưng CSDLHTĐT khác với cơ sở dữ liệu giấy nên cho phép CSDLHTĐT có một số giá trị pháp lý phù hợp và khả thi.

Riêng kết nối với CSDLQGVDC và các cơ sở dữ liệu khác, Bộ trưởng cho rẳng, phải quy định mang tính nguyên tắc theo hướng CSDLHT là gốc, là dữ liệu cá nhân, liên quan đến quản trị của ngành, có khả năng tích hợp và sẵn sàng kết nối. Sau này, các cơ sở dữ liệu khác đáp ứng được điều kiện, đảm bảo bí mật dữ liệu công dân, quản trị của ngành thì có thể được kết nối. 

(Nguồn: http://baophapluat.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây