Ngày 17/4/2019, tại Hà Nội, Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019) đã diễn ra với chủ đề “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số”. Sự kiện do Bộ TTTT bảo trợ với sự phối hợp tổ chức của Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TTTT; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Tập đoàn IEC.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ ngành, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), địa phương, những chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế về an toàn, an ninh mạng.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng số. Với sự xuất hiện của một số công nghệ mới mang tính đột phá, như AI, Big Data, IoT, cuộc cách mạng số đang gia tăng tốc độ, xuất hiện cơ hội để hình thành xã hội thông minh. Để tận dụng cơ hội của công nghệ số, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số. Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”.
Bộ trưởng cho rằng, sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Không gian mạng là tương lai của thế giới. Cường quốc an ninh mạng cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực.
An toàn, an ninh không gian mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Nó tạo ra môi trường an toàn để chính phủ, DN và người dân sử dụng công nghệ số.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh năm 2019, phải bắt đầu từ việc tạo ra thị trường an toàn, an ninh mạng, các dự án đầu tư CNTT phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng; phát triển các DN, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam; giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng; đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, có khả năng phục hồi khi bị tấn công, mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một DN đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Cũng tại Hội thảo, lần đầu tiên Bộ TTTT công bố đánh giá mức độ bảo đảm ATTT mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018. Theo Bộ trưởng, việc này sẽ được làm định kỳ hàng năm và sẽ tiến tới sẽ đánh giá ATTT cho các DN và tổ chức khác trong xã hội.
“Các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá về an toàn, an ninh không gian mạng Việt Nam là cần thiết, vì nó là một sở cứ để quốc tế tham khảo trong các quyết định của mình, trong đó có quyết định đầu tư vào Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng cần có đánh giá riêng của Việt Nam để làm sâu hơn trong ngữ cảnh Việt Nam. Mọi xếp hạng đều có tính tương đối, nhưng nó luôn cung cấp thông tin cho chúng ta để phấn đấu tốt lên, nhất là trong sự so sánh với các đơn vị quanh mình”, Bộ trường khẳng định.
Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Việt Nam đang phải chịu tác động của nhiều yếu tố đe dọa an ninh, an toàn của không gian mạng. Những thông tin xuyên tạc, xấu độc được lan truyền trên mạng một cách nhanh chóng đã gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, để ngăn chặn hành vi làm mất an toàn không gian mạng như trên, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; tăng cường hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng, còn cần phải thay đổi cách giáo dục giới trẻ để nhằm tăng cường nhận thức, đảm bảo đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết, ra mắt Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” giữa Cục ATTT, Hiệp hội ATTT Việt Nam, Viettel, VNPT, Bkav, FPT, CMC.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TTTT luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, DN bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số. Bộ cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác, sự phát triển của các DN, hiệp hội trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.
“Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia lớn mạnh về an toàn, an ninh mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy”, Bộ trưởng khẳng định.
Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên, là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, DN an toàn, an ninh mạng mở rộng mối quan hệ hợp tác, đoàn kết hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Trọng tâm của Chương trình là Hội nghị “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số” diễn ra vào buổi sáng ngày 17/4/2019 với 3 phiên là: Tình hình thực tiễn Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế; và Tọa đàm về giải pháp nâng cao mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Buổi chiều ngày 17/4/2019 sẽ diễn ra 02 Phiên Hội thảo chuyên đề kỹ thuật về “Giám sát an toàn, an ninh mạng và bảo vệ trung tâm dữ liệu” và “Phòng ngừa mã độc, cửa hậu và lộ lọt thông tin” dưới sự điều hành của Cục ATTT (Bộ TTTT) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an).
Nhiều chủ đề hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức, DN thiết thập hệ thống kỹ thuật, triển khai phương án giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và phòng ngừa mã độc, lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Bên cạnh Hội nghị và các Hội thảo chuyên đề sẽ là Chương trình Triển lãm các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ lĩnh vực an toàn, an ninh mạng với sự tham gia của 26 DN trong nước và nước ngoài như (Viettel, BKAV, FPT, Netnam, Vnetwork, VSEC, RSA, Fortinet, Checkpoint, HPE, Samsung, NIPA, One Identify, Huawei, Parasoft, Ahnlap, Keysight, Bizsecure, Techdata,...) và Chương trình trình diễn trực tiếp công nghệ bảo mật (Security Live Demo) về các tình huống an toàn, an ninh mạng diễn ra cả ngày 17/4/2019. Trong đó, có nhiều sản phẩm và dịch vụ đã được đưa vào sử dụng cho các cơ quan chính phủ và DN Việt Nam.
|
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)