SharePoint
Liên kết web
 
 

136 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công APT trong quý 1/2019

25/04/2019 14:56
(TTCNTT) - Đại diện Phòng giải pháp An toàn thông tin doanh nghiệp, Công ty An ninh mạng Viettel cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, có tới 136 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam bị hacker tấn công có chủ đích - APT, bị xâm nhập thành công mà không hề hay biết.

Thông tin nêu trên vừa được ông Lê Quang Hà - Trưởng phòng giải pháp An toàn thông tin doanh nghiệp, Công ty An ninh mạng Viettel chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Phòng ngừa mã độc, cửa hậu và lộ lọt thông tin” mới đây.

Ông Lê Quang Hà cũng thông tin thêm, theo thống kê của FireEye, trên thế giới trung bình sau 78 ngày các doanh nghiệp, tổ chức mới biết mình bị tấn công, xâm nhập. Con số này là 204 ngày với các doanh nghiệp, tổ chức tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Còn theo thực tế Công ty An ninh mạng Viettel đi xử lý các sự cố an toàn thông tin, với các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, thời gian để các đơn vị nhận biết được mình đã bị tấn công, xâm nhập là sau 2,2 năm.

“Đây là khoảng thời gian quá dài và hacker có thể làm được nhiều việc với hệ thống của các đơn vị, doanh nghiệp. Rõ ràng, đang có một khoảng hở, chênh lệch giữa bên tấn công và bên phòng thủ”, ông Hà nhận định.

Trên thực tế, những năm gần đây, sự gia tăng các chiến dịch tấn công có chủ đích APT nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng đã luôn được các chuyên gia bảo mật dự đoán là một xu hướng chính của an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Với năm 2019, tấn công mạng có chủ đích vào các hệ thống thông tin trọng yếu nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu cũng đã được khối An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT nhận định là 1 trong 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng.

Trước đó, trong chia sẻ với ICTnews, ông Nguyễn Minh Đức - CEO Công ty an toàn thông tin CyRadar cho biết, tấn công APT (Advanced Persistent Threat) tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Thời gian gần đây, CyRadar cũng đã phát hiện ra nhiều chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như nhiều cơ quan khối Chính phủ.

Ông Đức cũng cho biết thêm, từ thực tế hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, CyRadar đã phát hiện có doanh nghiệp dù hệ thống đã bị tấn công có chủ đích, bị kiểm soát từ 18 tháng trước nhưng họ không hề biết.

“Ngăn chặn các cuộc tấn công đã khó, việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công APT sẽ càng khó khăn hơn. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng không tránh khỏi bị tấn công cài đặt phần mềm gián điệp, âm thầm đánh cắp dữ liệu. Theo tôi để đối phó kịp thời, các doanh nghiệp và tổ chức cần chủ động xây dựng hệ thống phòng thủ đa lớp, đặc biệt là đầu tư vào đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin và nâng cao trình độ nhận thức của toàn nhân viên thông qua các chương trình đào tạo”, ông Đức nêu quan điểm.

Đề cập đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chống tấn công APT hiệu quả và thiết thực, trên cơ sở phân tích những đặc tính nổi bật của tấn công APT như: bộ công cụ các hacker dùng nhiều, mới, lạ; các kỹ thuật, chiến thuật tấn công của hacker liên tục được thay đổi, cập nhật; tấn công diễn ra chậm, âm thầm trong thời gian dài; đội ngũ hacker rất thiện chiến, chuyên gia Công ty An ninh mạng Viettel cho rằng các doanh nghiệp, tổ chức với tư cách là bên phòng thủ cần thực hiện những biện pháp để xóa bỏ được những lỗ hổng, sự chênh lệch với phía tấn công.

Cụ thể, theo chuyên gia Công ty An ninh mạng Viettel, bên phòng thủ cần đặt và giải được các câu hỏi: Chúng ta đã có những công cụ hay trang bị tương xứng với các công cụ, vũ khí của nhóm hacker hay không? Các nhóm phòng thủ của chúng ta có được cập nhật nhanh, nhạy những công nghệ, cách thức phòng thủ trước những lỗ hổng mới hay không? Chúng ta có nhân sự để duy trì đội ngũ giám sát an ninh mạng liên tục, để phát hiện được các cuộc tấn công chậm và diễn ra trong thời gian dài như vậy hay không? Và cuối cùng là chất lượng đội ngũ nhân sự phòng thủ của doanh nghiệp, tổ chức có thiện chiến như đội ngũ hacker hay không?

“Giống như tất cả các cuộc chiến tranh truyền thống, chiến tranh trên không gian mạng cũng là cuộc đối đầu giữa 2 lực lượng và sự chênh lệch giữa trang bị vũ khí, sự chênh lệch về thông tin, về tiếp nhận và phản ứng, chênh lệch về đội ngũ nhân sự chính là điều quyết định bên nào sẽ giành được chiến thắng. Vì thế, các doanh nghiệp, tổ chức cần phải xóa bỏ những lỗ hổng, sự chênh lệch với phía tấn công. Đây chính là cách nhanh nhất để chống tấn công APT một cách hiệu quả”, chuyên gia Công ty An ninh mạng Viettel đề xuất.

 (Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây