Thông tin nêu trên vừa được ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chia sẻ tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2019 vừa được Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Ông Tiến cũng cho biết, bức tranh, góc nhìn toàn cầu về tình hình an toàn, an ninh mạng được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) cung cấp vào cuối tháng 3/2019 vừa qua. Báo cáo về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu do ITU thực hiện, đến nay đã là kỳ thứ ba. Hai kỳ báo cáo trước là vào các năm 2015 và 2017.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Hoàng Minh Tiến chia sẻ thông tin về xếp hạng an toàn, an ninh mạng của Việt Nam theo dự thảo báo cáo GCI 2018 do ITU thực hiện.
“Báo cáo này ban đầu được ITU thực hiện với mục đích nâng cao nhận thức của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới về vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng; song đến nay báo cáo này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các quốc gia mà đã đi vào đánh giá thực sự các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng mà các nước đang triển khai, từ đó thúc đẩy các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng”, ông Tiến chia sẻ.
Với kết quả xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) 2018 của Liên minh Viễn thông quốc tế theo dự thảo báo cáo mới nhất được tổ chức này cung cấp, thứ hạng của Việt Nam trong bức tranh về an toàn, an ninh mạng toàn cầu đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, với việc xếp thứ 50 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, thứ hạng của Việt Nam năm 2018 đã tăng lần lượt 26 bậc và 51 bậc so với kỳ 2 kỳ ITU công bố báo cáo GCI vào tháng 4/2015 và tháng 7/2017 (xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam trong báo cáo GCI 2015 và GCI 2017 lần lượt là 76/196 và 101/193.
Cùng với đó, cũng theo dự thảo báo cáo GCI 2018 của ITU, xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN cũng được cải thiện khá nhiều so với kỳ công bố báo cáo hồi tháng 7/2017: xếp thứ 11 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng 12 bậc; và xếp thứ 5 khu vực ASEAN, tăng 4 bậc, chỉ xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Trước đó, trong phát biểu kết luận Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2019 của Bộ TT&TT được tổ chức đầu tháng 4 này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những cố gắng của khối an toàn thông tin Bộ TT&TT trong thời gian qua có tiến triển giúp đưa chỉ số xếp hạng ITU Việt Nam trong lĩnh vực này gia tăng đáng kể. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị phải cung cấp số liệu chính xác cho các tổ chức quốc tế để phản ánh một cách chuẩn xác tình hình phát triển của lĩnh vực an toàn thông tin trong thời gian tới.
Trong năm 2019, với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã xác định rõ mục tiêu là tạo ra được thị trường an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam đảm bảo an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đưa Việt Nam trở thành Trung tâm an ninh mạng của ASEAN. Một nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT trong năm nay là triển khai các giải pháp để cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam theo đánh giá của ITU tăng thêm 20 bậc.
Chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện Vietnam Security Summit 2019, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải coi đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề song hành với việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, có như vậy mới đảm bảo cho việc ứng dụng và phát triển CNTT một cách nhanh và bền vững.
Ông Dũng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT đã tham mưu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của ITU. Dự thảo Chỉ thị này nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu, yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn, an ninh mạng của đơn vị mình; mỗi đơn vị cũng phải tổ chức lực lượng an toàn, an ninh mạng tại chỗ, đồng thời phải có đơn vị chuyên trách bên ngoài cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng; kiểm thử xâm nhập, đánh giá mức độ và quản lý rủi ro về an toàn, an ninh mạng phải được thực hiện thường xuyên.
“Chúng tôi nghĩ là trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2019, Chỉ thị về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của ITU sẽ được ban hành. Khi Chỉ thị này được ban hành, đây sẽ là “kim chỉ nam” cho các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng tốt hơn trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết thêm.
(Nguồn: /ictnews.vn)