Nhận định trên được Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an đưa ra trong phát biểu tại Hội thảo và Triển lãm an toàn, an ninh mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2019:
Giới trẻ bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin xấu, độc trên mạng
Ông Tuấn nhận định, thông tin trên không gian mạng được lan truyền một cách nhanh chóng, nhưng không được kiểm duyệt gây nhiễu loạn thông tin, mất an ninh trật tự.
Theo số liệu thống kê đến cuối 2018, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và thông tin tích cực, hàng ngày, người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ thanh niên, học sinh và thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động được phát tán tự do trên không gian mạng gây băng hoại giá trị đạo đức xã hội trong giới trẻ.
Gần đây, một số đối tượng như Ngô Bá Khá, Dương Minh Tuyền, Trần Ngọc Phúc... thường xuyên sử dụng trang Facebook, kênh Youtube cá nhân để đăng tải các đoạn video có nội dung kích động lối sống sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội, tạo dư luận xấu trên không gian mạng, xuất hiện một bộ phận giới trẻ coi đó là “thần tượng”, học theo làm ảnh hưởng, phức tạp tình hình an ninh trật tự.
“Chúng tôi và Bộ TT&TT đã có những biện pháp phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, làm sao giảm thiểu những tác động tiêu cực từ những thông tin, hình ảnh xấu, độc được đưa lên không gian mạng. Song có lẽ là chưa đủ! Hiện nay, vẫn còn rất nhiều những hình ảnh, video clip, bài viết… như vậy trên không gian mạng”, ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, vấn nạn tin giả (Fake News) cũng đang gây “nhức nhối”, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới khách thể, nạn nhân của những tin tức giả, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Tin giả được lan truyền trên các trang mạng xã hội hiện nay đa phần mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý người đọc.
Tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quốc gia diễn biến phức tạp
Đại tá Đỗ Anh Tuấn thông tin: năm 2018, đã phát hiện hơn 4.000 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công, xâm nhập. Tin tặc đã sử dụng nhiều dòng mã độc đa dạng, với hàng trăm tên miền cho máy chủ điều khiển để tấn công vào hệ thống mạng thông tin của các cơ quan trọng yếu nước ta.
Bên cạnh đó, hoạt động sử dụng mã độc tống tiền tấn công các cơ quan, tổ chức của nước ta ngày càng gia tăng, thông tin tài khoản của các dịch vụ trên Internet không được bảo vệ, liên tục bị lộ lọt, sử dụng vào các mục đích chính trị, thương mại gây bất an cho người sử dụng. Thể hiện rõ nét qua các vụ 427.446 tài khoản người dùng Facebook Việt Nam (thứ 9 trên thế giới) bị lộ; 560.000 máy tính bị lây nhiễm mã độc gián điệp BrowserSpy…
Cá độ bóng đá trên mạng diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức
Vị đại diện A05 cũng chỉ rõ, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng, nhất là cá độ bóng đá diễn ra công khai, phức tạp, dưới nhiều hình thức. Số lượng con bạc lên đến hàng nghìn người với số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày, đặc biệt vào các mùa giải bóng đá lớn trên thế giới như World Cup, Euro... Hiện ở Việt Nam có trên 30 nhà cái quốc tế tổ chức đánh bạc, cá độ, chúng thiết lập hàng trăm trang web và đặt máy chủ tại nước ngoài.
Đáng chú ý, gần đây xuất hiện thủ đoạn tổ chức đánh bạc và tổ chức đánh bạc thông qua các trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc. Các đối tượng thuê đặt máy chủ và tên miền của nước ngoài, sử dụng các máy chủ trung gian và liên tục thay đổi địa chỉ máy chủ, sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mã hóa đường truyền dữ liệu, mã hóa dữ liệu nhằm che giấu, tránh sự theo dõi, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Gia tăng tội phạm môi giới mại dâm, xâm phạm tình dục trẻ em trên mạng
Cho biết tội phạm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em trên mạng có chiều hướng gia tăng, đại diện A05 phản ánh: “Các đối tượng thường đặt cơ sở dữ liệu tại các máy chủ ở nước ngoài, sử dụng các dịch vụ ẩn thông tin đăng ký tên miền, ẩn IP máy chủ chứa cơ sở dữ liệu nhằm trốn tránh việc kiểm tra, phát hiện, xác minh của các cơ quan chức năng. Thay vì thanh toán bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng, tài khoản Paypal thì giờ đây chuyển sang thanh toán bằng tiền ảo như Bitcoin”.
Lừa đảo qua không gian mạng diễn biến phức tạp
Cũng theo vị Phó Cục trưởng Cục A05, tình trạng lừa đảo của tội phạm qua không gian mạng diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu vào các hành vi như: lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn rác tới các số điện thoại; lừa đảo giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện thoại yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra sau đó chiếm đoạt; lừa đảo qua hình thức nhắn tin trúng thưởng; chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo mọi người trong danh sách bạn bè của nạn nhân; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp.
Sử dụng mạng Internet mua bán, trao đổi cách thức chế vũ khí
Một thách thức nữa với công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, theo đánh giá của đại diện A05, là tình trạng tội phạm sử dụng mạng Internet để mua bán, trao đổi cách thức chế vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cụ thể, chỉ bằng một vài từ khóa tìm kiếm qua công cụ Google, người mua có thể tìm mua được nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, từ súng quân dụng, đạn, súng điện, súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, đèn pin siêu sáng kèm chức năng chích điện 2.500 Kv...
“Các hành vi ngày càng diễn ra công khai trên các diễn đàn mạng xã hội YouTube, Facebook… gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Các đối tượng móc nối với nhau thành lập đường dây mua bán nhiều loại vũ khí trên mạng với giá thành từ vài triệu đến vài chục triệu đồng”, đại diện A05 nêu.
(Nguồn: ictnews.vn)