(TTCNTT) - Theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh, Giám đốc khối Phát triển toàn cầu của IBM JSC từng chia sẻ với ông rằng kỹ sư Việt Nam không thua kém kỹ sư bất cứ nước nào về kỹ năng chuyên môn nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh quá yếu.
Các đề xuất của FPT đối với việc phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao của nước nhà được ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc FPT đưa ra trong trao đổi cùng các diễn giả tại phiên thảo luận “Giải pháp về cơ chế chính sách để gắn kết cung cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao”, trong khuôn khổ tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” được Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức mới đây.
Thống nhất với ý kiến của các diễn giả khác về việc sự phối hợp giữa Nhà nước – Nhà trường và Doanh nghiệp trong thời gian tới cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, Phó Tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh cho biết, trước hết cần tập trung vào việc xác định chuẩn kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp CNTT nói chung và nếu có chuẩn cho từng chuyên ngành đào tạo CNTT thì càng tốt. Trong lộ trình này, đại diện FPT đề xuất Bộ TT&TT tiếp tục là cơ quan chủ trì việc xây dựng, xác định chuẩn kỹ năng CNTT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để đưa chuẩn kỹ năng này thành các chương trình đào tạo triển khai trong các trường.
“Chúng ta có thể tham khảo các chuẩn quốc tế cũng như dựa trên yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước, từ đó đưa ra các chuẩn và triển khai thành các chương trình đào tạo cho các trường đào tạo lĩnh vực CNTT”, ông Việt Anh nêu quan điểm.
Cùng với đó, vị Phó Tổng giám đốc FPT cũng đề nghị, do chương trình đào tạo của một số hãng công nghệ tên tuổi trên thế giới như Cisco, Microsoft, Amazon Web Service… đã chuẩn hóa và gần như là chuẩn mực trong lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT cân nhắc việc công nhận các chứng chỉ uy tín của các hãng này. Đồng thời, với những sinh viên đạt được những chứng chỉ của các hãng công nghệ lớn đó, có thể cân nhắc việc miễn học, miễn thi cho các em, đồng thời cấp chứng chỉ tương ứng hoặc cho phép tính tín chỉ phù hợp.
Nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục ngoại ngữ cho các sinh viên, đại diện lãnh đạo FPT đề xuất các trường đào tạo CNTT cần có chuẩn ngoại ngữ (có thể tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) đối với các sinh viên ra trường. Cụ thể, các trường có thể đưa ra yêu cầu sinh viên CNTT tốt nghiệp có chứng chỉ IELT 5.5 hoặc TOEFL tương đương; và nếu sinh viên có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ thì sẽ được miễn học, miễn thi môn ngoại ngữ.
Ông Việt Anh cũng chia sẻ thêm về đánh giá của của Giám đốc khối Phát triển toàn cầu của IBM JSC về trình độ ngoại ngữ của sinh viên CNTT Việt Nam: “Khi tôi hỏi họ có chia sẻ gì đối với Việt Nam, Giám đốc khối Phát triển toàn cầu của IBM JSC cho biết về kỹ năng chuyên môn, kỹ sư Việt Nam không thua kém bất cứ kỹ sư của nước nào. Tuy nhiên, thực sự khả năng sử dụng tiếng Anh của họ lại quá yếu”.
Nhận định thời gian qua các trường cũng đã rất chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh bày tỏ mong muốn tới đây, hoạt động phối hợp giữa Nhà trường – Doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa.
“Từ góc độ của FPT, chúng tôi mong rằng các trường sẽ đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin, ví dụ như các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, về lịch sử sinh viên CNTT các khóa của trường sau khi ra trường, đã được tiếp nhận, làm việc ở đâu, câu chuyện thành công của họ… Những thông tin này các trường có thể đưa lên website của trường và Bộ GD&ĐT để từ đó bản thân các sinh viên, các doanh nghiệp cũng có thông tin để tham khảo”, ông Việt Anh đề nghị.
Cùng với đó, đại diện FPT cũng đề xuất Bộ GD&ĐT khẩn trương thực hiện xếp hạng các trường theo Luật Giáo dục Đại học 2018.
Theo ông Việt Anh, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp hiện nay đang tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là nhân lực CNTT và các doanh nghiệp trong đó có FPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chủ động phối hợp cùng các trường.
Vị đại diện lãnh đạo FPT còn đề nghị Nhà nước tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho các doanh nghiệp CNTT - không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ, các startup, tiếp tục gắn kết chặt chẽ hơn với nhà trường; tạo điều kiện cho các sinh viên CNTT khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như khi tốt nghiệp có cơ hội được tiếp cận, làm việc với các đối tác công nghệ, các khách hàng lớn trong các ngành công nghiệp của đất nước cũng như thế giới.
(Nguồn: ictnews.vn)