Trong khuôn khổ "Tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ" diễn ra sáng 30/3, bên cạnh các báo cáo tổng quan về thực trạng và khả năng cung ứng nguồn nhân lực, thực trạng đổi mới khoa học và công nghệ của thành phố, chia sẻ về nhu cầu lao động của doanh nghiệp, còn có 3 phiên chuyên đề tập trung vào một số ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.
Tại phiên chuyên đề “Tọa đàm kết nối cung – cầu nguồn nhân lực lĩnh vực ICT, dịch vụ du lịch”, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề kết nối cung – cầu nguồn nhân lực của hai ngành trọng điểm là công nghệ thông tin và du lịch.
Phát biểu khai mạc phiên chuyên đề nguồn nhân lực lĩnh vực ICT, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng ngành CNTT của Đà Nẵng mới bắt đầu khoảng hơn 15 năm nhưng đã có các bước phát triển nhanh và vượt bậc. CNTT đã trở thành công cụ quan trọng trong hoạt động của các cấp chính quyền, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ công. Trong 10 năm liên tiếp (2009-2018), Đà Nẵng liên tục đứng nhất chỉ số ứng dụng và phát triển CNTT toàn quốc (ICT Index), nền công nghiệp CNTT hình thành với gần 1000 doanh nghiệp, doanh thu năm 2018 là 25.200 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 5% vào GRDP thành phố, tạo ra việc làm ổn định, chất lượng cao, trực tiếp cho 32.000 người với mức lương trung bình hơn 15 triệu đồng/người/tháng, gấp khoảng 2,5 lần thu nhập bình quân tính chung cho các ngành và toàn thành phố.
“Mặc dù ngành CNTT của Đà Nẵng phát triển nhanh, có những thành tích, con số ấn tượng như trên và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngành CNTT vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chính vì vậy, Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Đà Nẵng cần ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có ngành CNTT,” ông Lê Trung Chinh nói.
Theo báo cáo của Sở TT&TT Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng nhiều khu CNTT, Khu Công viên phần mềm đang hoạt động và chuẩn bị đưa vào hoạt động, cần rất nhiều nguồn nhân lực CNTT. Khu FPT Complex hiện có 3.500 người làm việc; đang hướng đến mục tiêu 10.000 nhân lực, trung bình mỗi năm cần cung cấp hơn 3.000 nhân lực CNTT; Khu Công viên phần mềm số 2 (5 ha) được quy hoạch để phục vụ cho từ 6.000-8.000 nhân lực CNTT làm việc; Khu CNTT tập trung Đà Nẵng vừa khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 29/3/2019, ước tính đến 2025 cần khoảng 10.000 người làm việc; Khu Công viên phần mềm số 1 mở rộng (Hòa Xuân, Cẩm Lê) được quy hoạch để phục vụ cho 12.000 nhân lực CNTT làm việc.
Nhu cầu nguồn nhân lực CNTT của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng rất lớn. Tuy nhiên, các đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng nguồn nhân lực CNTT đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, rơi vào tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, mâu thuẫn cung - cầu khá nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, số lượng và chất lượng đào tạo chưa tiệm cận được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì vậy, tại tọa đàm này, nhiều ý kiến được nêu ra để cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cùng tìm kiếm giải pháp rút ngắn khoảng cách cung-cầu lao động CNTT.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực CNTT. Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc VNPT Đà Nẵng chia sẻ: “Trong thời gian qua, VNPT Đà Nẵng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT nhưng số lượng hồ sơ rất ít, chất lượng hồ sơ kém, đặc biệt, đối với một số ngành như an toàn thông tin, bảo mật, chúng tôi hầu như không tuyển được nhân lực nào”.
Để giải quyết tình trạng này, ông Túy đề nghị thành phố nên triển khai hình thức dịch vụ cho thuê nhân sự CNTT giữa các doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực chi phí, đồng thời giúp các doanh nghiệp tập trung hơn vào các giá trị cốt lõi, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng.
Để nhà trường và doanh nghiệp có thể gắn kết nhau hơn, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Việt Anh, Đại học Đà Nẵng đề xuất, chính quyền thành phố nên có một diễn đàn, nơi các cơ sở đào tạo gặp gỡ với các giám đốc của các doanh nghiệp. Mặc dù, các cơ sở đào tạo hiện nay đều rất nỗ lực đưa doanh nghiệp đến gần với nhà trường hơn, nhưng để có tiếng nói chung, thì nhà trường và doanh nghiệp phải cùng bắt tay nhau hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Đối với việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, ông Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty Toàn Cầu Xanh cho rằng: Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ sinh viên CNTT thực tập tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực CNTT. Các cơ sở đào tạo nên cập nhật thông tin về sinh viên của mình như ngành nghề đào tạo, các kỹ năng…lên hệ thống dữ liệu này để doanh nghiệp chủ động chọn sinh viên phù hợp với môi trường doanh nghiệp để thực tập cũng như phối hợp nhà trường đào tạo nguồn nhân lực này.
“Chương trình đào tạo đại học do phải phụ thuộc theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có nhiều môn học chưa sát với nhu cầu thực tế của của doanh nghiệp, đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa tăng cường ứng dụng thực hành, nâng cao kỹ năng thực tế. chưa hình thành mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo cũng chưa chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên. Các cơ sở đào tạo nên thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế, sát nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời nên lựa chọn đào tạo “khác biệt”, đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp,” Đại diện Công ty Global Design đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan trong thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ để phát triển nguồn nhân lực cho thành phố. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh yêu cầu Sở TT&TT phối hợp cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội để thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng” đồng thời đề nghị các sở, ngành, đặc biệt các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ động tăng cường triển khai các giải pháp, nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu kết nối cung - cầu nguồn nhân lực lĩnh vực ICT thực sự bền chặt và hiệu quả; đặc biệt chú trọng triển khai xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 bên Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực ICT trong thời gian tới.
(Nguồn: ictnews.vn)