SharePoint
Liên kết web
 
 

Tìm hướng phát triển và ứng dụng AI vào các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam

22/08/2018 17:16
(TTCNTT) - Hội thảo trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 diễn ra hôm nay, 21/8, được các chuyên gia nhận định là cơ hội kết nối, hội tụ, tìm tiếng nói chung và nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.

Gần 100 chuyên gia, nhà khoa học "hiến kế" phát triển AI tại Việt Nam

Hôm nay, ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AI Vietnam 2018. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network) 2018 do Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức từ ngày 18 - 24/8/2018 với mục đích quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển.

Trước đó, ngày 19/8 vừa qua, Chương trình Vietnam Innovation Network 2018 đã chính thức ra mắt. Một trong những nội dung quan trọng được người Việt trẻ tài năng đưa ra tại sự kiện là việc thúc đẩy phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI tại Việt Nam. TS. Bùi Hải Hưng là nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Google Deepmind (Mỹ) đã cho biết: “Ngành AI thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có tên tuổi trên bản đồ AI của thế giới. Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam”.

Trong phát biểu tại hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, những người làm về trí tuệ nhân tạo đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI như nhóm chiến lược, nhóm thị trường, nhóm dữ liệu, nhóm triển khai ứng dụng và nhóm về đào tạo, nghiên cứu cơ bản. “Bộ KH&CN mong rằng các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ sẽ tập hợp lại để xây dựng một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo Việt Nam”, ông Duy chia sẻ.

Hội thảo trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 được Bộ KH&CN chủ trì tổ chức nhằm chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của KH&CN và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu; kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam; thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong các ngành, lĩnh vực KH&CN hàng đầu. Đồng thời, tạo dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công nghệ ở trong nước để có thể tham gia góp phần xây dựng các định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Theo Bộ KH&CN, hội thảo trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 có sự góp mặt của đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, hội thảo quy tụ gần 100 chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI từ các ngành công nghiệp: nông nghiệp, ngân hàng…, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, Pháp, Ba Lan ...).

Các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài được mời tham dự hội thảo đều là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.  Họ đã có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…. Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.

Có thể kể đến các chuyên gia, nhà khoa học như TS. Lê Viết Quốc, Google Brain, Mỹ; GS.TS. Vũ Hà Văn, Đại học tổng hợp Yale, Mỹ; TS. Đào Ngọc Thành, CEO & FOUNDER của Bap-Blockchain; ông Lê Minh Toàn, Công ty Bap-Blockchain, Nhật Bản; ông Trần Đặng Minh Trí, Tập đoàn Ramsay Health Care, Úc; TS. Đỗ Bình Minh, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản…

Phát triển, ứng dụng AI đã có những khởi đầu khá tốt tại Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến hiện trạng AI tại Việt Nam; những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI; Blockchain và AI ứng dụng thực tiễn vào Việt Nam; AI mang lại cơ hội để bứt phá trong cuộc CMCN 4.0… Các chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học về những phương pháp, kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực AI sẽ được lồng ghép với các nội dung về định hướng chính sách, nguồn lực làm nền tảng cho nghiên cứu và phát triển AI trong thời gian tới.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu cao cấp của Google Deepmind (Mỹ) nhận định, trong vòng 10 năm trở lại đây AI đã có những thành tựu rất nổi bật và công nghệ mới này có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện cho các ngành công nghiệp trên thế giới.

Cho rằng tại Việt Nam AI đã có những khởi đầu khá tốt khi bắt đầu có những công ty như FPT, VNG quan tâm, thành lập các AI Lab; tuy nhiên TS Bùi Hưng Hải cũng chỉ ra một số vấn đề mà theo đánh giá của ông “có vẻ khập khiễng”, đó là vấn đề đào tạo nhân tài thế hệ sau cho AI chưa được chú trọng thích đáng. “Khi đào tạo cơ bản về AI cần đến những tài nguyên về Cloud, có lẽ các trường đại học Việt Nam gặp khó khăn vì kinh phí tương đối lớn. Việc này có lẽ cần đến sự đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp”, TS. Bùi Hưng Hải nói.

Cùng với đó, theo nhận định của vị chuyên gia này, mặc dù Việt Nam đã bắt đầu chú trọng nhiều vào ứng dụng AI nhưng chưa có một nhóm hạt nhân nào thực sự tiếp cận môi trường nghiên cứu của AI ở mức độ đỉnh cao trên thế giới. TS Bùi Hưng Hải đánh giá: “Đây là điểm khập khiễng trong phát triển AI. Dù đây là khởi đầu nhưng tôi nghĩ nếu có nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận được với những nghiên cứu của AI trên thế giới ở mức độ đỉnh cao thì nhóm đó có thể tạo ra hiện tượng lan tỏa ra những nhóm mang tính chất ứng dụng”.

TS. Bùi Hưng Hải cũng chia sẻ, dù sống ở nước ngoài lâu nhưng ông vẫn thường xuyên về Việt Nam và mong muốn sẽ có nhiều cơ hội giúp đỡ các công ty, cơ sở Việt Nam trong việc phát triển và ứng dụng lĩnh vực AI: “Tôi sẵn sàng giúp đỡ các công ty. Thậm chí nếu có cơ hội tốt, tôi có thể sẽ trở về làm việc trong môi trường của Việt Nam”.

Cũng trong khuôn khổ AI Vietnam 2018, các diễn giả đã giới thiệu những công nghệ, kết quả nghiên cứu và phát triển AI từ các trường đại học, viện nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực AI của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, AI Việt Nam 2018 chính là cơ hội để kết nối, hội tụ, định hướng chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung và nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh doanh tại thời điểm hiện nay.

 (Nguồn: http://ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây