(TTCNTT) - Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, ngành tài chính Việt Nam cần áp dụng biện pháp quản trị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn chuyên đề Thị trường vốn - tài chính trong khuôn khổ ViEF (Diễn đàn Kinh tế Việt Nam) với chủ đề Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam – Giải pháp và thách thức” diễn ra ngày 21/8, đánh giá về thực trạng thị trường hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn, Việt Nam cần xem xét đến tình trạng cơ cấu của thị trường đang mất cân đối ở đâu.
Trong hoạt động tín dụng mất cân đối giữa tỷ trọng với các dịch vụ gia tăng như phi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng.
Bên cạnh đó là sự mất cân đối giữa thị trường vốn do chứng khoán cung cấp, mất cân đối giữa thị trường ngắn hạn và dài hạn...
Chia sẻ về kỳ hạn trái phiếu, Phó Thủ tướng cho biết trước đây chỉ kéo dài khoảng 3 năm thì nay phát hành 10, 20 thậm chí 30 năm.
Không dừng lại ở đó, Phó Thủ tướng đặt vấn đề cần tái cơ cấu thị trường này, để tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, đưa ra các biện pháp để giải quyết những bất cập liên quan của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
"Chúng ta phải phát triển thị trường theo hướng hiện đại và quốc tế, đặc biệt là giải pháp cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực hấp thu của hệ thống các chủ thể tham gia thị trường và củng cố tài chính ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa là thị trường vốn và tài chính trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề Chính phủ rất quan tâm. Sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị toàn quốc để bàn về vấn đề này.
Bên cạnh đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, ngành tài chính Việt Nam cần áp dụng biện pháp quản trị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
(Nguồn: http://ictnews.vn)