SharePoint
Liên kết web
 
 

Xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam

20/07/2018 08:51
(TTCNTT) - Ngày 18/7/2018, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - ICT Summit 2018 chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Diễn đàn còn có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá, đại diện các Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi, Thụy Điển, Trung Quốc, Vương quốc Thái Lan...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ đề Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) lần thứ 8 là “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số". Đây là nội dung có liên quan mật thiết đến nhiệm vụ chính phủ điện tử (CPĐT), là một trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018-2020.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam và Hội đồng tư vấn cải cách của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp cùng với Văn phòng chính phủ, Bộ TTTT, các bộ ngành liên quan đã tổ chức diễn đàn quan trọng này. Hội nghị lần này là hội nghị hành động, theo đó  "chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực để hành động thần tốc, trước hết là xây dựng thành công CPĐT, hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam".

Thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hoá, tự động hoá và tin học hoá sang kỷ nguyên của số hoá, thông minh hoá và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu khoa học công nghệ tạo nên kỷ nguyên mới tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, xu hướng thị trường, tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu và tác động cả tới sự tương tác giữa thị trường và nhà nước. CMCN 4.0 đã tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống,  như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu một chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu một phòng nghỉ nào… Điều đó đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới - thời đại của kinh tế số.

Thủ tướng nhấn mạnh: “CMCN 4.0 đã mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại, thời đại số và dự báo sẽ tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết Chính phủ phải đổi mới, chuyển đổi thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ khả năng, đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT, công nghệ số nhằm mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại 4.0”.

Việt Nam đã bắt tay xây dựng CPĐT ngay từ những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Điều này đã mang đến những kết quả tích cực nhưng tốc độ còn chậm, kết quả còn hạn chế. Chính vì vậy, các hiệp hội có trách nhiệm nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn xây dựng CPĐT ở Việt Nam và chứng minh việc ứng dụng CNTT và công nghệ số tạo ra phương thức mới trong hoạt động quản trị quốc gia của Chính phủ và là cách tốt nhất để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn thông qua việc tạo thuận lợi và bình đẳng hơn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các cơ hội. “Đây cũng là các phương thức hữu hiệu nhất giúp tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động của Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc về CPĐT. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN. Theo đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ còn nhiều tồn tại và bất cập trong việc triển khai CPĐT như cơ sở pháp lý chưa toàn diện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư cho CNTT còn bất cập, tốc độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng rất chậm, các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn thủ công, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 còn thấp.

Việc xây dựng CPĐT phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng CPĐT, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai CPĐT và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu”.

Bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện

Trong giai đoạn tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện như sau:

Một là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế: Thiết lập và tăng cường các thể chế, chính sách nền tảng cho xây dựng CPĐT bao gồm xây dựng các văn bản tầm Nghị định đối với đầu tư ứng dụng CNTT; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ thông tin cá nhân; xác thực điện tử cá nhân, tổ chức; hệ thống báo cáo điện tử; văn thư lữu trữ điện tử…

Hai là, phải đảm bảo yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 có kỹ năng cao là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Không chỉ quan tâm đến đào tạo, giáo dục mà cùng với đó chúng ta phải thực sự quan tâm đến động lực, thu nhập, bảo hiểm, môi trường sống và làm việc, bảo hiểm, cách thức đánh giá nguồn nhân lực, triển vọng phát triển cho người lao động, nhất là những người tài. Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng, nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho việc phát triển kinh tế trong cuộc CMCN lần thứ 4.

Ba là, về công nghệ, tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; rà soát, chuẩn hóa, số hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung duy nhất ở các bộ, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ và hệ thống điện tử về tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; liên thông giữa hai hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Việc thứ tư là dồn sức để có nguồn lực phát triển trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong tiến hành việc thu nạp cả nguồn lực tài chính và con người. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp và chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.

Năm là nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về CPĐT, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển Chính phủ điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh việc chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu VINASA tổng hợp báo cáo Thủ tướng các đề xuất, kiến nghị cụ thể tại diễn đàn, đồng thời giao Hiệp hội chủ trì,  phối hợp với các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng CPĐT, thúc đẩy kinh tế số tiếp cận CMCN 4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 3 tọa đàm chuyên đề chính: CPĐT hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số và Hạ tầng số. Tại Diễn đàn, các kinh nghiệm quốc tế thành công của Malaysia, Estonia cũng sẽ được chia sẻ.

(Nguồn: http://ictvietnam.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây