SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ TT&TT sẽ xử lý nạn vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet

17/07/2017 16:14
(TTCNTT)- Trong 6 tháng cuối năm 2017, Bộ TT&TT sẽ tăng cường quản lý trong lĩnh vực truyền hình, đặc biệt là xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trên truyền hình và Internet.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong 6 tháng cuối năm 2017 là: Tăng cường quản lý trong lĩnh vực truyền hình, đặc biệt là xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, vi phạm bản quyền nội dung trên Internet.

Bộ trưởng nêu rõ, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang ở mức báo động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo của các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam phát trên kênh YouTube, Facebook.

Khoảng 3 năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình trả tiền có sự cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đua nhau giảm giá thuê bao để cạnh tranh. Doanh thu bình quân của thuê bao truyền hình Việt Nam (ARPU) đang ở mức thấp nhất trong khu vực, nhưng việc phát triển thuê bao của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do bị cạnh tranh tranh bởi các loại dịch vụ mới như truyền hình OTT lậu.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017,  dịch vụ truyền hình MyTV đạt mức độ tăng trưởng thấp chỉ bằng 96,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty VTC cho hay, dịch vụ truyền hình vệ tinh của Tổng công ty VTC cũng bị suy giảm tới 40% về doanh thu và phát triển thuê bao mới do sự cạnh tranh của dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ và truyền hình OTT.

 
Bộ TT&TT sẽ tăng cường xử lý nạn vi phạm bản quyền nội dung trên Internet. Ảnh minh họa: Internet
 

Nạn vi phạm bản quyền trên hàng trăm các trang web lậu, cùng với các mạng xã hội chia sẻ video như YouTube hay Facebook được coi là gây thiệt hại nghiêm trọng tới doanh thu của các đài truyền hình, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; nhiều đơn vị vi phạm thiết lập mạng xã hội có hệ thống ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế để cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây trở ngại cho việc xử lý trong bối cảnh lực lượng quản lý nhà nước cùng trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật còn hạn chế. Việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục; đồng thời, việc triển khai biện pháp kỹ thuật chặn lọc sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền. Một số trang thông tin điện tử có bài viết, clip mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.

Tại một cuộc họp gần đây do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức, ông Hà Văn Minh, Trưởng Ban Kiểm tra của VTV cho rằng, VTV đang bị xâm phạm bản quyền nghiêm trọng đối với hai series phim truyền hình ăn khách là "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng". Những bộ phim này ngay lúc phát sóng đã bị thu trái phép sau đó được tải về và đăng lại bởi các website không thuộc sở hữu của VTV và không mua bản quyền sử dụng sản phẩm của VTV. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế của VTV.

Ngoài những ảnh hưởng về mặt kinh tế, việc các bộ phim bị đăng tải trên các trang web lậu với chất lượng hình ảnh thấp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt hình ảnh và thương hiệu của VTV, một thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia. Chính vì vậy, VTV đang làm hết sức và có những động thái quyết liệt nhằm bảo vệ bản quyền cho các nội dung của mình. Đặc biệt là với trường hợp của hai bộ phim "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng".

Hiện nay, doanh thu bình quân trên thuê bao (ARPU) của dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam ở mức quá thấp, thấp nhất trong khu vực ASEAN do số đông người xem quen với việc xem truyền hình không trả tiền. Do đó, nhà nước cần quyết tâm dẹp vi phạm bản quyền để tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp truyền hình, khi mà doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền để mua bản quyền, nhưng người dân lại tìm đường khác để xem lậu vì không muốn trả tiền.

(Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây