SharePoint
Liên kết web
 
 

Triển khai chính thức Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 30/6/2017

24/04/2017 10:15
(TTCNTT) - Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia - nơi tích hợp tất cả dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và dự kiến triển khai chính thức (giai đoạn 1) Cổng này trước 30/6/2017.

Cổng dịch vụ công quốc gia là nơi sẽ tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, góp phần tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ hành chính công (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho hay, Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2016 (Danh mục) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành vào trung tuần tháng 4/2016. Theo Danh mục này, có 20 bộ, ngành được giao thực hiện 83 dịch vụ công trực tuyến; các địa phương được giao thực hiện 44 dịch vụ công trực tuyến.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, VPCP cho biết, đến hết quý I/2017, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện 78/83 dịch vụ công trực tuyến trong Danh mục, đạt 94%, bao gồm 64 dịch vụ công mức 3, 16 dịch vụ công mức 4. Ngoài ra, các bộ, ngành đã chủ động cung cấp 22 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 12 dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Đối với các địa phương, tính đến hết tháng 3/2017, đã có 32 tỉnh, thành phố thực hiện được từ 22 - 44/44 dịch vụ công trực tuyến trong Danh mục, đạt từ 50% trở lên; 27 tỉnh, thành phố đã triển khai được từ 2 - 20/44 dịch vụ công trực tuyến, đạt dưới 50%, trong đó có 3 địa phương chưa triển khai.

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Một chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 36a là cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực; phấn đấu đến hết năm 2017, Việt Nam nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Cũng theo thống kê của VPCP, tổng cộng trong năm 2016, các địa phương đã thực hiện 1.102 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, gồm 1.037 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 65 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đồng thời, các địa phương cũng đã chủ động triển khai 7.105 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, gồm 6.622 dịch vụ công mức 3 và 483 dịch vụ công mức 4.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian qua, VPCP đã xây dựng Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia và xin ý kiến Bộ TT&TT. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ TT&TT, VPCP đang dự thảo hồ sơ trình lãnh đạo Chính phủ về chủ trương sử dụng nguồn vốn từ Quỹ viễn thông công ích.

Cùng với đó, VPCP cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ Công trực tuyến quốc gia và dự kiến triển khai chính thức (giai đoạn 1) trước ngày 30/6/2017.

Đối với việc ban hành Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện năm 2017, VPCP cũng đã tổng hợp dự kiến triển khai nhiệm vụ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương trong năm nay. Theo đó, các bộ, ngành đăng ký thực hiện 514 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 (gồm 423 dịch vụ công mức 3 và 91 dịch vụ công mức 4); các địa phương đăng ký thực hiện 6.003 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 (gồm 4.919 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.084 dịch vụ công mức 4).

Tuy vậy, VPCP cũng lưu ý, trong quá trình đăng ký Danh mục, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất về cách thức xác định thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, VPCP đã gửi các bộ, ngành, địa phương để thống nhất Danh mục này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo ICT news

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây