Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở: Hệ thống thông tin (HTTT) là một tập hợp và kết hợp của các phần cứng, phần mềm và các hệ mạng truyền thông được xây dựng và sử dụng để thu thập, tái tạo, phân phối và chia sẻ các dữ liệu, thông tin và tri thức nhằm phục vụ các mục tiêu của tổ chức.
Các tổ chức có thể sử dụng các HTTT với nhiều mục đích khác nhau. Trong việc quản trị nội bộ, HTTT sẽ giúp đạt được sự thông hiểu nội bộ, thống nhất hành động, duy trì sức mạnh của tổ chức, đạt được lợi thế cạnh tranh. Với bên ngoài, HTTT giúp nắm bắt được nhiều thông tin về khách hàng hơn hoặc cải tiến dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh, tạo đà cho phát triển. [1]
Trong đơn vị Nhà nước, HTTT được sử dụng phục vụ các cấp lãnh đạo trong việc quản lý và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp (có thể) dưới dạng dịch vụ. Ở nước ta, HTTT thường có 2 nhóm chính: (1) Nhóm siêu dữ liệu (metadata) cấp quốc gia và nhóm thông tin chuyên ngành (của quốc gia). Nhóm siêu dữ liệu phục vụ việc thống kê (tình hình mọi mặt của đất nước); nhóm dữ liệu chuyên ngành cung cấp tác dạng thông tin theo lĩnh vực/chuyên ngành đó. Chương trình Quốc gia đến 2015 về CNTT đã đưa ra kế hoạch xây dựng nhiều hệ thống thông tin chuyên ngành [2].
Như ở trên, HTTT trong các đơn vị nhà nước với đặc thù là phục vụ Nhà nước nên có 2 yêu cầu chính yếu đó là cung cấp dữ liệu thống kê phục vụ nhà quản lý và các thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp trong/ngoài nước. Bài viết này sẽ đề cập một số vấn đề cơ bản về HTTT trong cơ quan nhà nước. Những vấn đề cụ thể (về kỹ thuật) của HTTT nói chung và ở trong đơn vị nhà nước nói riêng sẽ được trao đổi ở các bài viết sau.
Những yếu tố cấu thành một HTTT.
Phần cứng: Máy chủ, máy trạm, đường truyền, các thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ, thiết bị an ninh, an toàn và một số thiết bị và các yếu tố khác.
Phần mềm: Dạng cổng thông tin, hệ điều hành, hệ cơ sở dữ liệu, các phần mềm an toàn cho HTTT, các phần mềm tích hợp dữ liệu khác.
Các hệ/mô hình/công nghệ mạng: Mạng khách chủ/mạng không ngang hàng/mạng có phân quyền (Client – Server), điện toán đám mây (Cloud Computing), Mạng ngang hàng(peer-to-peer network), mạng LAN, MAN (Metropolitan Area Network), WAN (Wide Area Network),…
Dữ liệu: Được lưu trữ trong hệ cơ sở dữ liệu (Database) theo phương pháp xác định; chúng là thông tin có cấu trúc (dữ liệu có thuộc tính, sắp xếp theo một cấu trúc xác định) và phi cấu trúc (hình ảnh, bảng biểu, …); Các dữ liệu không gian/hình học (bản đồ) hoặc phi không gian,…
Nhân lực quản trị HTTT: Quản trị mạng, quản trị dữ liệu, quản trị thông tin, cập nhật thông tin, …. Nhân lực quản trị HTTTT thường được chia thành 2 nhóm: Quản trị kỹ thuật và quản trị nội dung.
Phục vụ tác nghiệp.
Đối tượng sử dụng và thụ hưởng hệ thống thường là “người Nhà nước” nên các HTTT này mang tính “nội bộ”. Chúng nằm trong chuỗi tin học hóa các hoạt động của cơ quan Nhà nước và chủ yếu phục vụ mục tiêu thống kê nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định của lãnh đạo các cấp.
Phục vụ người dân, doanh nghiệp trong/ngoài nước.
Là các HTTT của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh và các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước khác. Thông qua website, thông tin trên các hệ thống chủ yếu là các văn bản, các thông tin về chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mẫu biểu quy định về hành chính, một số thông tin được cung cấp dưới dạng dịch vụ công (người dân có thể tương tác với HTTT này, dịch vụ công được cung cấp theo mức độ từ 1 đến 4 theo mô hình Chính phủ điện tử),….
Các vấn đề cần lưu tâm đối với HTTT của nhà nước:
An toàn, bảo mật thông tin: Các giải pháp an ninh, an toàn cho HTTT bằng phần cứng, phần mềm và bằng các chế tài đối với con người.
Đầu tư: Trên cơ sở xác định đối tượng dữ liệu, công nghệ (phần cứng, phần mềm, mã nguồn,…) để chọn giải pháp tối ưu (về công nghệ, kinh phí, thời gian, công sức xây dựng và bảo trì bảo dưỡng hệ thống).
Nhân lực: Bao gồm quản trị mạng, quản trị trung tâm dữ liệu (datacenter), tích hợp phần mềm vào hệ thống và cập nhật thông tin.
Khai phá thông tin: Với các HTTT mang tính xã hội hóa cao (thông tin chuyên ngành phục vụ nghiên cứu, thông tin hỗ chiến lược kinh doanh, thông tin hành chính công,…) cần có cơ chế để quản lý, giám sát việc cung cấp (bán) thông tin nhằm mang lại nguồn thu chính đáng cho chủ sở hữu đồng thời tăng “tính thực tiễn” của HTTT.
Dương Viết Huy
(Trung tâm CNTT, Bộ VHTT&DL)
Mọi trao đổi về bài viết hãy gửi về email: [email protected]
Tham khảo:
[2] Quyết định 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng CP ngày 27/8/2010 về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.