Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Ngành du lịch Thủ đô phục hồi tích cực, đặt mục tiêu đón 3 triệu khách quốc tế năm 2023
Theo báo cáo của Sở Du lịch, bước vào năm 2022, ngành Du lịch Thủ đô đã từng bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ ngày 15/3/2022, du lịch Hà Nội đã bắt đầu đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Ước cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch, bằng 64,7% năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt, đạt chỉ tiêu kế hoạch và bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019; khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt, tăng gấp 2,15 lần so với kế hoạch và 4,3 lần so với năm 2021, bằng 78,5% năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019. Năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 41,2%, tăng 18,3% so với năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Bên cạnh những chỉ tiêu ấn tượng, du lịch Hà Nội còn nhận được nhiều sự đánh giá, xếp hạng tích cực của các hãng truyền thông, báo chí thế giới, tiêu biểu là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 (World’s Leading City Break Destination 2022); Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022 (Asia’s Leading City Break Destination 2022); Top 25 Điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022, Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực, Phố cổ Hà Nội lọt top những điểm du lịch hàng đầu khu vực châu Á năm 2022 (do TripAdvisor bình chọn); Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất (theo Google Destination Insights)…
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ và các chương trình du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch, chuyển đổi số… đều được ngành du lịch Thủ đô chú trọng, đầu tư và phát triển.
Các đại biểu dự hội nghị (Ảnh: TITC)
Các nhiệm vụ về công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; công tác thanh tra, kiểm tra và xây dựng môi trường du lịch; công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch… được tập trung triển khai.
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đón và phục vụ khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn khoảng 45%.
Chuyển đổi số - yêu cầu cấp thiết của ngành du lịch
Tại hội nghị, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa đã trình bày tham luận với chủ đề “Định hướng thúc đẩy Chuyển đổi số trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển bền vững”.
Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Theo đó, hiện nay chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Trong đó, xác định tập trung phát triển những lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như du lịch số. Tại Hội nghị của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 25/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
Ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Các nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai gồm có: Xây dựng cơ chế chính sách; Xây dựng các nền tảng số cốt lõi hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch; Phát triển các kênh truyền thông số hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; Xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch.
Nhân dịp này, ông Hoàng Quốc Hòa đề nghị các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp trong ngành quyết liệt đẩy nhanh việc triển khai chuyển đổi số hoạt động du lịch theo chủ trương chung; đẩy mạnh số hóa và tích hợp dữ liệu vào các nền tảng số của Tổng cục Du lịch theo tinh thần văn bản 1818 ngày 4/11/2022 của Tổng cục Du lịch. Đồng thời phổ biến sử dụng rộng rãi các nền tảng số của Tổng cục Du lịch để tạo sự đồng bộ, thống nhất, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Quan tâm bố trí nhân lực và nguồn lực phù hợp để triển khai các hoạt động chuyển đổi số một cách thiết thực, hiệu quả.
Hà Nội cần phát triển sản phẩm chất lượng cao, giàu bản sắc, giữ chân du khách lưu trú dài ngày hơn
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đã đạt được của ngành du lịch Thủ đô thời gian qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, qua phần trình bày báo cáo của Sở và ý kiến tham luận của các đơn vị, có thể thấy năm 2022 mặc dù trong bối cảnh trong nước và quốc tế có rất nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, ngành Du lịch đã chủ động, nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng trong phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
Bước sang năm 2023, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Vì vậy, để du lịch Hà Nội đạt được mục tiêu đã đặt ra, Thứ trưởng đề nghị Sở Du lịch Hà Nội cần tích cực, chủ động triển khai thực hiện tốt chức năng tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu phát triển du lịch của Thành phố năm 2023 nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch.
Phục hồi, phát triển Du lịch Thủ đô theo tinh thần tạo đột phá, đảm bảo tăng trưởng xanh, bền vững. Chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo, riêng có của Hà Nội - Thành phố sáng tạo, vì hòa bình, Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.
Cơ cấu lại ngành Du lịch Thủ đô theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh. Phát huy tốt vai trò là trung tâm du lịch của cả nước, thực hiện chức năng liên kết, cầu nối giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Chú trọng tổ chức lại liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đặc trưng của Hà Nội.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang bản sắc Hà Nội, có khả năng giữ chân du khách ở lại dài ngày hơn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu Du lịch Thủ đô trên cơ sở các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng, khẳng định Hà Nội là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu trên thế giới. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển thị trường.
Đồng thời rà soát, nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển du lịch. Có cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn cung nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sau dịch Covid-19. Tăng cường công tác quản lý, xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TITC)
Du lịch Hà Nội tiếp tục cơ cấu thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số
Đồng tình và nhất trí cao với ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, những kết quả ngành du lịch Thủ đô đạt được trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cũng như nỗ lực chung của toàn ngành.
Bên cạnh những việc làm được, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành du lịch Thủ đô. Trong đó, việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị còn đơn điệu, thiếu sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách; còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn. Hà Nội cũng chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành du lịch Thủ đô cần tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao. Đồng thời, tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: rà soát quy hoạch du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ; nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, trong đó, đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành du lịch Thủ đô, cần chú trọng đầu tư, triển khai một cách hiệu quả, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích, nâng cao trải nghiệm cho du khách. Đánh giá cao tham luận của lãnh đạo Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) về định hướng chuyển đổi số ngành du lịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL hỗ trợ, hướng dẫn ngành Du lịch Hà Nội xây dựng giải pháp tổng thể đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, góp phần thực hiện mục tiêu này, tới đây, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung phát triển 5 tuyến du lịch, đó là: Tuyến trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Đống Đa – Tây Hồ; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy mạnh trục du lịch tâm linh; tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai; tuyến Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương sẽ căn cứ đặc trưng của mình để phát triển sản phẩm phù hợp, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, các tuyến phố đi bộ… Trong năm 2023, Sở Du lịch cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch MICE, du lịch Golf kết hợp trải nghiệm bay thủy phi cơ, trực thăng, khinh khí cầu…
Lễ trao tặng danh hiệu thi đua khen thưởng của Bộ VHTTDL, UBND Thành phố, Sở Du lịch cho các tập thể và cá nhân (Ảnh: TITC)
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)