Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 và diễn ra các ngày kỷ niệm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện "mục tiêu kép", Bộ VHTTDL thống nhất phương châm "Quyết liệt hành động-khát vọng cống hiến" tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả.
Bộ VHTTDL tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2021
Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình:
Trình Thủ tướng Chính phủ 04 Quy hoạch và 06 Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt; được Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi UNESCO Hồ sơ đề cử di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là di sản thế giới. Thẩm định, xếp hạng 21 di tích quốc gia; ghi danh 31 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Hoàn thiện nội dung và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban dân tộc; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Trình Thủ tướng Chính phủ quy định về treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca; Đề án "Số hóa dữ liệu lễ hội Việt Nam giai đoạn 2021-2025"; Ban hành Chương trình phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam triển khai tổ chức "Giải thưởng sáng tạo quảng cáo Việt Nam" giai đoạn 2020-2030...
Hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng.
Thư viện: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Điện ảnh: Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); sửa đổi Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (phần về điện ảnh). Công tác thẩm định, phân loại và phát hành phim được thực hiện theo quy định. Chuẩn bị tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII tại Huế.
Nghệ thuật biểu diễn: Ban hành 02 Quyết định quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình tổ chức hoạt động nghệ thuật và ngày lễ lớn. Đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khó khăn cho viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19. Tiếp tục xây dựng Ðề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương; dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các đơn vị nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đã đổi mới hình thức biểu diễn trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội, phát triển mô hình hoạt động biểu diễn "Nhà hát online". Các chương trình nghệ thuật với chủ đề "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch","Ở nhà cùng vui" được livestream trên Youtube đã tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và mang đến món ăn tinh thần phục vụ khán giả.
Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm: Tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; xây dựng Đề án Thương hiệu Sơn mài Việt Nam; Tổ chức thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu. Tổ chức nhiều triển lãm tranh, ảnh.
Bảo vệ bản quyền tác giả: Sửa đổi nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; xây dựng nội dung xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả quyền liên quan tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan. Cấp 6.561 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định.
Quản lý nhà nước về gia đình: Xây dựng hồ sơ Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới và Chương trình quốc gia truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục đời sống gia đình.
Triển khai xét tặng giải thưởng, danh hiệu theo đúng quy định. Hiện có 27/36 hồ sơ "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 147/211 hồ sơ "Giải thưởng Nhà nước" đủ điều kiện để trình Hội đồng cấp Nhà nước; 71/86 hồ sơ "Nghệ nhân nhân dân" và 600/684 hồ sơ "Nghệ nhân ưu tú" đủ điều kiện để trình Hội đồng cấp Nhà nước; 53 hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ nhân dân và 155 hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ ưu tú.
Ông Lê Đức Trung chủ trì họp báo thường kỳ quý III của Bộ VHTTDL
Lĩnh vực thể dục, thể thao:
Toàn ngành tích cực triển khai cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021-2030 gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới". Triển khai công tác truyền thông và hướng dẫn nhân dân tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng, chống bệnh tật giai đoạn 2021-2025, với chủ đề"Cả nhà tập ngay, đánh bay COVID". Tổ chức 04 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia thu hút trên 5.976 cán bộ, VĐV tham dự, 05 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ TDTT cho 936 cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT cơ sở (trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đợt 4).
Duy trì công tác tập huấn đối với các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia để tham dự Olympic, Paralympic và các sự kiện thể thao quốc tế. Tổ chức 46 giải thể thao, 04 lớp tập huấn chuyên môn (trong thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát), từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2021 các hoạt động TDTT phải tạm dừng. Một số thành tích nổi bật: Thể thao Việt Nam giành được 01 HCV, 02 HCB và 02 HCĐ và nhiều thành tích xuất sắc: VĐV Lê Văn Công môn Cử tạ thi đấu xuất sắc giành được 01HCB tại Paralympic Tokyo; đội tuyển Futsal Việt Nam thi đấu xuất sắc và lọt vào vòng 1/8 vòng chung kết giải vô địch Futsal thế giới tại Lithuania; đội tuyển Taekwondo xuất sắc giành 01 HCV (giải vô địch châu Á tại Lebanon), đội tuyển Bắn súng giành 01 HCB tại Cúp Bắn súng thế giới.
Rà soát, đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Tổ chức và các Tiểu ban; chỉ đạo, hướng dẫn các Tiểu ban xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác và xây dựng các phương án chi tiết triển khai nhiệm vụ của Tiểu ban; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 trong tình hình dịch bệnh COVID-19; xây dựng báo cáo Bộ Chính trị về phương án tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11...
Đại diện Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể thao trả lời các câu hỏi của báo chí
Lĩnh vực du lịch:
Từ tháng 4/2020 đến nay Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, số người nước ngoài đến Việt Nam trong các tháng qua không nhiều và với mục đích công vụ. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa tháng 9/2021 đạt 300 nghìn lượt. 9 tháng đầu năm 2021 khách du lịch nội địa ước đạt 31,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 136.850 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực du lịch: Ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đồng thời đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong lĩnh vực lưu trú. Trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và phối hợp với tỉnh Kiên Giang triển khai Kế hoạch. Xây dựng Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026.
Theo dõi, đôn đốc các địa phương yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trên hệ thống tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn, thực hiện việc theo dõi và cập nhật danh sách cơ sở lưu trú du lịch được chọn làm nơi cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ban hành 09 văn bản khuyến cáo, đề nghị cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót đối với cơ sở lưu trú du lịch không đủ điều kiện.
Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài trong tình hình mới; triển khai "Đề án tiếp nhận và phát triển website vietnam.travel và các mạng xã hội; phối hợp, tham gia với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trước khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát.
Tăng cường công tác truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch. Xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận số vắc xin (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách quốc tế trở lại.
Tại họp báo, đại diện các cơ quan, đơn vị của Bộ đã giải đáp những vấn đề mà dư luận quan tâm như Đề án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, thí điểm chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế tại Phú Quốc...
Tin: Hồng Hà, ảnh: Minh Khánh
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)