(TTCNTT) - Chiều ngày 5/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ (12 nhà hát và các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ).
Tại buổi làm việc này, đại diện của các đơn vị đã lần lượt trình bày về tình hình hoạt động thực tế của mình, những khó khăn, vướng mắc cùng các kiến nghị, đề xuất mong được xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu tại buổi làm việc
Qua ý kiến của tất cả 12 nhà hát, đơn vị nghệ nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy có một thực trang chung là khó khăn. Đặc biệt là đối với các nhà hát nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối. Tình trạng không bán được vé, không có nguồn thu từ hoạt động biểu diễn gần như xẩy ra ở tất cả các đoàn nghệ thuật truyền thống. Điều này dẫn tới hệ quả là cuộc sống của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên vốn đã khó khăn lại càng khó hơn. Từ đây xuất hiện vấn đề đáng báo động là "chảy máu chất xám".
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ, tại Nhà hát, hiện nay tình trạng "chảy máu chất xám" khá nhiều. Các nghệ sĩ có tài năng có xu hướng "nước chảy chỗ trũng", rồi trình bày các khó khăn như lương không đủ sống, nợ tiền tỷ vì mua nhà… nên xin nghỉ để ra ngoài làm trả nợ…Trong khi đó, các diễn viên trẻ muốn vào lại không được vì không được ký hợp đồng hoặc vướng về thủ tục, yêu cầu đối với xét tuyển…
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết mặc dù Bộ đã rất quan tâm nhưng hiện nay Nhà hát vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là về con người "Bộ đã rất quan tâm tới các nhà hát nghệ thuật truyền thống nhưng chúng ta gặp khó khăn về chính sách nên không tạo được cơ chế để giữ chân người tài".
Trong khi đó, đại diện Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, xã hội hóa đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống là rất khó khăn, không làm được bởi vướng rất nhiều vấn đề.
Bên cạnh những khó khăn về mặt hoạt động biểu diễn, thì gần như các nhà hát đều có khó khăn về cơ sở vật chất. Có nhà hát chưa có "nhà hát" để biểu diễn, chưa có địa điểm để tập luyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp…
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến phát biểu của các đơn vị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận và chia sẻ những khó khăn hiện tại với các nhà hát, đặc biệt là các nhà hát nghệ thuật truyền thống.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, trong lúc khó khăn này, các đơn vị càng phải tăng cường tập luyện, sáng tạo để nâng cao năng lực biểu diễn. Theo Thứ trưởng thì các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật trong Bộ cần tăng cường sự liên kết, phối hợp với nhau để cùng chia sẻ những khó khăn chung đồng thời tạo ra những chương trình nghệ thuật có chất lượng, gây tiếng vang nhằm thu hút công chúng.
Đối với khó khăn về kịch bản sân khấu, Thứ trưởng Tạ Quang Đồng cho biết hàng năm cần mở các trại sáng tác để quy tụ những cây viết lại; cần liên kết với Hội nhà văn, Trường Đại học Văn Hóa để đặt hàng với các tác giả…
Quang cảnh buổi làm việc.
Thứ trưởng cũng lưu ý các nhà hát cần xây dựng các ý tưởng, chương trình nghệ thuật biểu diễn để kết nối với các đơn vị lữ hành, nhằm phục vụ khách du lịch.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần quan tâm hơn tới các đơn vị nghệ thuật truyền thống, không chỉ trong việc tổ chức các hoạt động biểu diễn, chương trình nghệ thuật mà còn trong việc nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo để có những đánh giá đúng về các loại hình sân khấu nghệ thuật trong đời sống hiện nay, những khó khăn, thách thức ra sao, từ đó cùng bản thảo để tìm hướng đi cho hiện tại và tương lai.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)