Trong năm 2018, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần vào những thành quả của ngành là những thành tựu về công tác quản lý lễ hội, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn hóa dân tộc thiểu số… Trong không khí đón chào năm mới 2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy về những thành tích của ngành mà Thứ trưởng, người được Ban cán sự Đảng Bộ phân công chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo đã góp phần tạo nên những thành tựu chung của ngành.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy
Thưa Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, năm 2018, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt nhiều thành tựu. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những lĩnh vực như Điện ảnh, Văn hóa dân tộc…. Thứ trưởng có thể cho biết những thành tích nổi bật của các lĩnh vực này trong năm qua?
- Năm 2018 là năm có nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong đó có thể kể đến việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương; Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hoá"; "Thôn văn hoá", "Làng văn hoá", "Ấp văn hoá", "Bản văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá"; Tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 – 2018; Tổ chức thành công các sự kiện lớn như Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III năm 2018; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X; Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V… Những kết quả nêu trên đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới công tác văn hóa, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự vào cuộc đồng bộ, có hiệu quả của toàn ngành.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý văn hóa thời gian qua đã góp phần cụ thể hóa định hướng lớn của Đảng trong phát triển văn hóa như Nghị quyết Trung ương VIII (7/1998) "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"…Từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một, hòa tan trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Nhiều giá trị văn hóa mới, tiến bộ đã được xác lập, củng cố trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái đẹp của văn hóa nhân loại. Đồng thời các giải pháp nâng cao hiệu lực của quản lý văn hóa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa phát triển đa dạng, phong phú và trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập, góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng "Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".
Bộ VHTTDL Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác văn hóa với các nước
Một hoạt động nổi bật của lĩnh vực Điện ảnh trong năm 2018 là Việt Nam đã tổ chức thành công Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngành điện ảnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thứ trưởng có thể chia sẻ những ý kiến của mình về lĩnh vực này và định hướng phát triển trong năm tới?
- Nhìn lại hành trình Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội từ năm 2010 đến nay, việc tổ chức đã quy mô hơn, năng lực, vị thế không ngừng được nâng cao. Qua 5 lần tổ chức, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đã khẳng định thương hiệu Điện ảnh Việt Nam, tạo dựng được uy tín và vị thế riêng trên trường quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá thủ đô Hà Nội và du lịch Việt Nam. Liên hoan phim không chỉ thu hút với nội dung hấp dẫn, sáng tạo mà còn thành công trong việc xã hội hóa tổ chức sự kiện, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan trung ương và địa phương, tạo mối quan tâm, ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội; mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm thị trường, hợp tác làm phim giữa các nhà điện ảnh trong nước và quốc tế, đề cao việc tôn vinh các tài năng nghệ thuật điện ảnh đích thực, hướng đến giá trị nhân văn và tinh thần hợp tác thân ái.
Chúng ta phải khẳng định, Liên hoan phim không phải là át chủ bài để làm điện ảnh phát triển vì điện ảnh là một ngành tổng hợp và đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng liên hoan phim được ví như chất xúc tác, như một cú huých để dòng chảy điện ảnh ngày một chuyên nghiệp. Nó cũng là cái đích để người làm điện ảnh hướng đến.
Điều tồn tại là điện ảnh Việt vẫn còn thiếu các bộ phim lớn, những bộ phim "đỉnh cao". Hoạt động điện ảnh đã từng bước được chuyên nghiệp hóa, nhưng việc phát lộ những tài năng vẫn là vấn đề khó, không có những tài năng lớn sẽ rất khó có những tác phẩm lớn. Bên cạnh đó, nhìn vào thực tế thời gian qua, sự phát triển của điện ảnh Việt Nam cơ bản khẳng định được xu thế, chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh của nhà nước khá thành công.
Việc đầu tư, đặt hàng tác phẩm điện ảnh, xã hội hóa hoạt động điện ảnh cần được quan tâm trong thời gian tới. Một nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh là công tác quảng bá, đưa điện ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bởi quảng bá một bộ phim Việt đến bạn bè quốc tế không chỉ đơn thuần là một bộ phim, giá trị văn hóa hay du lịch của đất nước được gửi gắm rất nhiều thông qua điện ảnh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy
Trong công tác quản lý lễ hội, năm 2018 đánh dấu sự chuyển biến hết sức tích cực, trong đó, đặc biệt Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội đã được Chính phủ ban hành với những quy định rõ ràng, chặt chẽ. Thứ trưởng có thể chia sẻ kỳ vọng công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực này sẽ thay đổi như thế nào sau khi Nghị định đi vào đời sống?
- Lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Nghị định của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, điều này khẳng định sự quan tâm trong tạo ra cơ chế quản lý của Chính phủ, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý tổ chức lễ hội trên địa bàn. Chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự tuân thủ các quy định tại Nghị định, ý thức trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội và người tham gia lễ hội, trong thời gian tới công tác quản lý và tổ chức lễ hội sẽ được quản lý, tổ chức nề nếp, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội. Thông qua đó giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân. Bảo tồn, phát huy được những nét đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội.
Các ngày hội văn hóa, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc, theo khu vực đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức thành công trong nhiều năm qua, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng có thể cho biết, trong năm 2019, việc thực hiện các ngày hội cần chú trọng điều gì để ngày hội thực sự hiệu quả, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân?
Năm 2018, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đã được tổ chức thành công
- Có thể khẳng định, nhờ việc tổ chức các hoạt động Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo từng khu vực, nhiều giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đã được tôn vinh, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một đã được phục dựng, bảo tồn và phát huy. Cũng thông qua các Ngày hội, các hoạt động văn hóa dân tộc thiểu số đã được giới thiệu đến bạn bè quốc tế về giá trị di sản văn hóa độc đáo, phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn trong thế hệ trẻ về giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X được tổ chức đầu tháng 11 năm 2018 tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 4686/QĐ- BVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án tổ chức định kỳ "Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số" theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013- 2020. Hội nghị đã chỉ ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả của các Ngày hội như đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức Ngày hội; sự phối hợp tổ chức giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia Ngày hội đôi khi còn chưa chặt chẽ; nâng cao sự chủ động của các địa phương trong xây dựng các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, giao lưu; đổi mới mô hình tổ chức, triển khai Ngày hội…
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)