SharePoint
Liên kết web
 
 

Tổng kết 10 năm Luật CNTT: sẽ tạo môi trường pháp lý về CNTT phù hợp với tình hình mới

23/11/2017 14:10
(TTCNTT) - Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, việc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT là để có những đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội trong điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp với yêu cầu tình hình mới.

Hôm nay, ngày 23/11, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 theo phương thức trực tuyến kết nối điểm cầu chính tại Hà Nội với 29 điểm cầu trên toàn quốc.

Là hoạt động trong chương trình tổng kết thi hành Luật CNTT, hội nghị toàn quốc có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Hoàng Vĩnh Bảo; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương; cùng đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-TT.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 còn có sự tham dự của lãnh đạo Bộ TT&TT qua các thời kỳ: ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; ông Trần Đức Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT và ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, ngày 29/6/2006, Quốc hội đã ban hành Luật CNTT, văn bản pháp lý cao nhất trong việc quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT.

Thứ trưởng đánh giá, qua hơn 10 năm thực hiện, ngành CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thực sự trở thành một ngành hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế như tinh thần Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT ở các cấp trên toàn quốc đã từng bước được xây dựng và kiện toàn tại trung ương và địa phương; thành lập các Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ và đặc biệt là sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT.

Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện. Nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành. Hạ tầng CNTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xã hội.

Ứng dụng CNTT đã được đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, từng bước hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã có Cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội với hàng chục triệu hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4.

Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác xây dựng và triển khai thúc đẩy ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Việc trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đã trở thành phổ biến, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí nhận gửi văn bản hành chính. Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước, tăng 10 bậc so với năm 2014.

Bên cạnh đó, Công nghiệp CNTT đặc biệt là công nghiệp phần cứng điện tử, công nghiệp phần mềm và nội dung số duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm, đóng góp tỷ lệ quan trọng cho tăng trưởng GDP đất nước. Một số khu công nghiệp CNTT tập trung đã được hình thành, phát triển. Tổng đoanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 67,7 tỷ USD.

Cũng theo Thứ trưởng, những năm qua, nguồn nhân lực CNTT cũng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Sau hơn 10 năm, việc phổ cập CNTT trong xã hội đã có nhiều thay đổi ấn tượng. Đến nay tỷ lệ người dân Việt Nam được phổ cập Internet đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập ở hầu hết các trường THPT và gần 80% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT hướng tới cột mốc 1 triệu lao động.

Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cao trong chuyển đổi, hướng tới nền kinh tế tri thức trong bối cảnh sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải xác định rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực thi Luật CNTT, xác định những bất cập của Luật CNTT sau hơn 10 năm thực hiện để từ đó có những đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội trong điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Và đó cũng là tinh thần của hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006.

Đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT cho biết, bên cạnh báo cáo, tham luận đánh giá kết quả, tác động của CNTT 2006 trong hơn 10 năm qua, trong khuôn khổ hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 sẽ diễn ra một tọa đàm của các chuyên gia trong ngành nhằm xác định rõ hơn phương hướng hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về CNTT trong thời gian tới.

Được biết, kết quả của hội nghị sẽ góp phần giúp Bộ TT&TT hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 và đề xuất Đề án hiện đại hóa khung pháp lý về CNTT-TT đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước. Đề án này dự kiến gồm các nội dung chính: Sửa đổi, bổ sung Luật CNTT 2006 tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng CNTT, công nghiệp và dịch vụ CNTT; Rà soát các nội dung chưa thống nhất giữa Luật CNTT 2006 và các văn bản luật, dưới luật khác để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan đến CNTT; Tiến hành tổ chức nghiên cứu các khía cạnh của các xu hướng công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến, đánh giá khả năng đáp ứng các văn bản luật có liên quan đối với các thách thức của các xu hướng này. Xây dựng và đánh giá chính sách mới trước khi đề xuất nội dụng sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật.

(Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây