SharePoint

Chính phủ giao Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng công nghệ chung tay trong phòng chống dịch

19/02/2020 17:30
(TTCNTT) - Chính phủ giao Bộ TT&TT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam cùng chung tay thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong Nghị quyết 11 của phiên họp họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 được ban hành mới đây, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khích lệ, động viên tinh thần học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh trong toàn xã hội; lan tỏa giá trị đạo đức, nhân văn. Đấu tranh mạnh mẽ, xóa bỏ các thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thông tin.

Tại Nghị quyết 11, Chính phủ cũng giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân. (Ảnh một phiên họp thường kỳ Chính phủ: Chinhphu.vn)

Cùng với nhiệm vụ kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam cùng chung tay thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ TT&TT còn được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Y tế phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân.

Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định, giai đoạn phòng, chống và ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 chính là dịp để thúc đẩy các quyết sách, chủ trương mà Việt Nam vẫn còn đang cân nhắc, lưỡng lự, từ đó tạo ra đà tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam.

“Bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng sẽ đi cùng với các cơ hội, thậm chí là những cơ hội rất lớn. Do vậy, cần phải nhìn ra những cơ hội này để đưa vào chính sách nhằm giải quyết sớm các vấn đề tồn tại, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 2/2/2020, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV, tên hiện nay là Covid-19 – PV) tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã có chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành TT&TT phải vào cuộc, tham gia công tác phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan liên quan phòng, chống dịch hiệu quả.

Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo rõ, các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Bình luận về sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19, trong trao đổi với ICTnews, chuyên gia Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhấn mạnh, ngay khi Bộ trưởng Bộ TT&TT có chỉ thị kêu gọi, chúng ta đã nhìn thấy nhiều công cụ, sản phẩm công nghệ do các doanh nghiệp Việt được đưa ra. Rõ ràng, bước đầu các doanh nghiệp công nghệ Việt đã tham gia một cách kịp thời và cũng đã phát huy ngay được tác dụng hỗ trợ công tác phòng dịch do chủng mới của virus Corona gây ra bằng những sản phẩm, giải pháp họ đang có.

Chẳng hạn như Công ty InfoRe đưa ra hệ thống giúp lọc tin giả (Fake News) về dịch Covid-19; hay hàng loạt doanh nghiệp làm về e-learning đã sẵn sàng mở cung cấp miễn phí cho người dùng để hỗ trợ giáo viên, học sinh học tập, giảng dạy online qua mạng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây lan dịch.

“Theo tôi được biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát triển những sản phẩm công nghệ mới để hỗ trợ cho việc phòng chống và ứng phó với dịch do chủng mới của virus Corona gây ra. Chắc chắn rằng thời gian tới sẽ liên tục xuất hiện những giải pháp công nghệ mới hỗ trợ phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ.

 (Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây