SharePoint

Lĩnh vực kế toán đón đầu cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0

18/10/2019 15:14
(TTCNTT) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, lĩnh vực kế toán cũng không nằm ngoài xu thế đó. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp lĩnh vực kế toán Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực kế toán là phải tận dụng tốt cơ hội và hóa giải những thách thức để chủ động trong bối cảnh hội nhập.

Lĩnh vực kế toán đón đầu cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức tài chính, kế toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng thuận lợi.

CMCN 4.0 không chỉ là công cụ giúp các công ty kế toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet. Cùng với đó, hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Theo đó, kế toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới. Ngược lại, các kế toán viên ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán của doanh nghiệp (DN), tổ chức tại Việt Nam.

Điều quan trọng nhất là những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn.   

Bên cạnh những cơ hội, mà CMCN 4.0 thì cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực kế toán. Cụ thể, nguồn nhân lực cũng là một thách thức đối với DN. Mặc dù máy móc sẽ dần thay thế con người ở nhiều công đoạn, thị trường lao động, đặc biệt là những kế toán có trình độ thấp, sẽ bị giảm sút đáng kể, tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố then chốt, do vậy, cần làm sao để người làm kế toán có thể tiếp cận nhanh chóng đến công nghệ mới, làm chủ công nghệ, biết công nghệ trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động kế toán và hoạt động DN.

Bên cạnh đó, tính bảo mật của thông tin cũng là một vấn đề quan trọng.Với rất nhiều các sự việc gần đây xảy ra với các công ty, đặc biệt là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twister…, các thông tin cá nhân của những người sử dụng đã bị bán hoặc bị tiết lộ ra ngoài. Điều này ảnh hưởng rất đến quyền riêng tư của người sử dụng. Do vậy cần phải có các quy định cũng như các biện pháp nhằm bảo vệ các phần mềm, phần cứng và dữ liệu của doanh nghiệp và khách hàng

Đồng bộ các giải pháp để lĩnh vực kế toán chủ động hội nhập

Để lĩnh vực kế toán vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội trong cuộc CMCN 4.0, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Đầu tư vào công nghệ mới phục vụ cho công tác kế toán

Trước khi thực hiện việc đầu tư vào công nghệ mới, kế toán phải hiểu được công nghê này có đáp ứng mục tiêu chiến lược mà DN đặt ra hay không? Họ nên xem xét các đề xuất có tính giá trị và áp dụng nó cho cả nhân viên và khách hàng. Chi phí không còn được xem là gánh nặng như trước kia tuy nhiên nó vẫn là một vấn đề mà kế toán cần cân nhắc. Nguồn lực và thời gian là hai yếu tố cần thiết để đưa các ứng dụng công nghệ mới vào áp dụng nhưng cần có sự kết hợp một cách hợp lý.

Để đảm bảo thực hiện thành công công nghệ mới, các công ty cũng cần có kế hoạch và tạo ra mối quan hệ đối tác phù hợp để giúp đỡ triển khai thực hiện. Các vấn đề kỹ thuật cần được duy trì kiểm tra và nâng cấp, tuy nhiên con người vẫn là yếu tố then chốt để có thể vận hành bất kỳ một hoạt động nào. Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là con người sẽ sử dụng các nền tảng công nghệ theo cách mà họ mong muốn và vì vậy mà làm thế nào để tìm ra cách sử dụng tối ưu.

Khi áp dụng công nghệ, để đảm bảo hoạt động được thực hiện một cách liên tục, những người thực hiện phải hiểu rõ về công nghệ đó và cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Cần có những quy định nhằm bảo mật thông tin của kế toán nói riêng và của doanh nghiệp nói chung.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, thông tin được coi là nguồn dữ liệu cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp. Làm thế nào để thông tin kế toán nói chung và doanh nghiệp nói riêng không bị tiết lộ ra bên ngoài hoặc bị tấn công bởi các hacker. Đây là vấn đề lớn mà các kế toán cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới.

Người làm kế toán cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với công nghệ mới

Các công cụ mới như Blockchain, ngân hàng mở… đang dần thay đổi cách mà kế toán thực hiện công việc. Kế toán cần phải nắm bắt trước những vấn đề xảy ra để có những bước đi trước, đón đầu, tránh tình trạng bị tụt hậu phía sau.

Trí tuệ thông minh và máy móc sẽ là tương lai của ngành Kế toán, đây là một bước phát triển lớn của thế giới nhưng cũng là một thách thức đối với người làm kế toán. Tương lai sẽ có rất nhiều công việc mà máy móc sẽ làm thay con người, tốc độ xử lý dữ liệu được thực hiện nhanh hơn với khối lượng lớn hơn.

Các doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực kế toán mới.

Ngoài việc, đầu tư vào công nghệ mới, các DN cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế toán có trình độ cao và am hiểu công nghệ mới. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển của DN cũng như quan điểm của các nhà quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên để có thể bắt kịp với xu thế của thời đại, các DN vẫn cần xây dựng một tiến trình nhằm từng bước đào tạo và xây dựng một nguồn nhân lực đủ để đáp ứng với những thay đổi của công nghệ trong tương lai.

 (Nguồn: http://tapchitaichinh.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây