SharePoint

VNISA chủ động, tích cực trong bảo vệ Việt Nam trên không gian mạng

09/09/2019 13:48
(TTCNTT) - Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: VNISA đóng vai trò tích cực trong công cuộc bảo vệ Việt Nam trên không gian mạng.

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 3 (2019 - 2024). Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam muốn phát triển thịnh vượng thì phải dựa trên Internet. Nhưng Internet lại không an toàn. Bảo vệ không gian mạng Việt Nam an toàn là sứ mạng cao cả của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực an toàn, an ninh không gian mạng”.

Với hàng chục triệu cuộc tấn công mạng hàng ngày trên toàn cầu thì thực ra, chúng ta đã đang sống trong chiến tranh rồi. Một cuộc chiến toàn cầu, không ai sống trong môi trường mạng mà không có rủi ro bị tấn công. Nhưng người giỏi nhất mọi thời đại đều là các chiến binh. Nếu chúng ta sống trong thời chiến, với tinh thần chiến đấu thì chúng ta sẽ giỏi lên. Những người làm an ninh mạng là những chiến binh an ninh mạng, những chiến binh bảo vệ hoà bình, với cơ hội trở thành những người giỏi nhất.

Nhiệm kỳ thứ 3 của Hiệp hội ATTT Việt Nam gắn liền với sự đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT). An toàn, an ninh không gian mạng là tiền đề cho sự phát triển này.

Bộ trưởng mong muốn: “Hiệp hội đóng vai trò tích cực trong công cuộc bảo vệ Việt Nam trên không gian mạng. Bộ TTTT luôn coi trọng vai trò của các Hội, Hiệp hội, vừa qua đã phân công các đơn vị của Bộ phối hợp với từng Hội, Hiệp hội. Cục ATTT là đầu mối của Bộ để phối hợp với Hiệp hội ATTT. Thời gian tới, Bộ sẽ đặt hàng Hiệp hội một số nội dung mới, với mục tiêu là cùng nhau xây dựng và phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh không gian mạng".

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển và thịnh vượng vào năm 2045, khi chúng ta tròn 100 năm tuyên bố độc lập. Muốn bảo vệ sự phát triển đó, theo Bộ trưởng, “Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng. Xếp hạng về an ninh mạng của Việt Nam bao giờ cũng phải cao hơn xếp hạng về kinh tế. Mọi hoạt động của Hiệp hội nên xoay quanh mục tiêu này”.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển khoảng 200 doanh nghiệp (DN) an ninh mạng. Trong số này phải có một số DN đứng vào hàng top đầu thế giới. Việc này, Bộ trưởng cho rằng là rất khó, nhưng lại chỉ phụ thuộc vào lao động. “Nhận lấy việc khó nhất để làm, có ý chí vượt qua khó khăn, với khát vọng Việt Nam hùng cường thì chúng ta sẽ làm được. Chúng ta đang yếu hơn, mới xếp hạng thứ 50, nhưng chính vì thế mà ý chí vươn lên sẽ mạnh mẽ hơn. Hiệp hội nên hướng các doanh nghiệp vào xử lý những vấn đề lớn về an toàn, an ninh không gian mạng của đất nước”.

Phát triển DN thì đầu tiên là thị trường. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các tổ chức có hệ thống CNTT phải xem xét thuê một DN an ninh mạng chuyên nghiệp bảo vệ, các dự án CNTT phải có cấu phần an ninh chiếm ít nhất 10% tổng dự án, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn hệ thống. Đây chính là hình thành thị trường ban đầu cho lĩnh vực công nghiệp an ninh mạng Việt Nam, Bộ trưởng nêu rõ.

Hiệp hội luôn là nơi tốt nhất để kết nối những chuyên gia, những DN hàng đầu về an ninh mạng, cả trong nước và quốc tế. Để xử lý những vấn đề trên không gian mạng thì yếu tố quan trọng nhất có lẽ là kết nối. Bộ TTTT khuyến khích Hiệp hội kết nối các thành viên toàn cầu, mà trước hết có thể là các DN, các cá nhân người Việt Nam làm trong lĩnh vực an ninh mạng trên toàn cầu”.

Cũng theo Bộ trưởng, các DN an ninh mạng Việt Nam mạnh hay không mạnh là ở chỗ có đi ra nước ngoài được hay không, có xuất khẩu được sản phẩm hay không. Xuất khẩu mà dưới 30% tổng doanh thu thì chưa thể nói là mạnh. Vậy, Hiệp hội có nhận lấy trách nhiệm xúc tiến sản phẩm an ninh mạng Việt Nam ra nước ngoài hay không?.

ASEAN là ngôi nhà khu vực quan trọng nhất của chúng ta. Bộ TTTT đang xây dựng một Hub về an ninh mạng để chia sẻ trong ASEAN. Hiệp hội ATTT Việt Nam cũng nên hợp tác với Hiệp hội ATTT của các nước trong ASEAN, và đóng vai trò tích cực nhất trong việc kết nối, chia sẻ, cùng nhau phát triển.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: “ATTT không chỉ là câu chuyện của các tổ chức mà còn là câu chuyện của mọi người dân. Chỉ khi nào toàn dân có kiến thức, có kỹ năng, có khả năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng thì khi đó mới thực sự quản lý được rủi ro. Trách nhiệm của Hiệp hội không chỉ là nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, an ninh không gian mạng mà còn là nâng cao tri thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng sinh tồn trong không gian. Sử dụng các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện nhiệm vụ này là công việc tăng thêm cho Hiệp hội”.

 (http://ictvietnam.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây