SharePoint

An ninh mạng bảo đảm an ninh quốc gia

02/03/2018 16:57
(TTCNTT) - Mới đây, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Ðây là dự án luật thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các chuyên gia pháp luật, công nghệ thông tin, an toàn thông tin.

Báo cáo kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn của dự án Luật An ninh mạng do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày, cho biết nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia nhất trí phải xác lập hệ thống thông tin quan trọng liên quan an ninh quốc gia; đồng thời, cần quy định rõ tiêu chí, các loại hệ thống thông tin. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc xác định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong khi đã có hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng. Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin của các mục tiêu, công trình có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, cho nên phải áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đủ mạnh, mang tính khả thi đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Chung quanh nội dung nêu tại khoản 4 Ðiều 34 của dự thảo luật về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét tại Việt Nam, một số ý kiến chưa nhất trí với việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy một số ý kiến đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác phù hợp hơn. Ðó là các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10 nghìn người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Hơn nữa, phải thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (TTATXH); quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cung cấp dữ liệu người sử dụng Việt Nam và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng...

Về nội dung này, một số đại biểu đại diện bộ, ngành và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là nội dung nhạy cảm, cần nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, thấu đáo, để quy định trong dự thảo luật phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tại phiên họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần có quy định các nhà mạng phải lưu trữ thông tin một thời gian nhất định để khi có những vụ việc vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra có thể trích xuất dữ liệu làm căn cứ xử lý. Trả lời câu hỏi của một số đại biểu còn băn khoăn về việc đặt máy chủ, quản lý thông tin người dùng có thể ngăn phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hại từ nước ngoài vào Việt Nam hay không, lãnh đạo Bộ Công an cho biết: Việc cung cấp bí mật ra nước ngoài là hành vi bị cấm, nhưng kể cả không có in-tơ-nét, người ta vẫn cứ đưa ra nước ngoài. Vấn đề quan trọng là phải có căn cứ pháp lý, pháp luật để ngăn chặn, răn đe và xử lý những đối tượng cố tình vi phạm. Căn nguyên là truy tìm ra nguồn gốc, phương thức, đối tượng làm việc này, chứ không phải luật này đưa ra thì không có bí mật lọt ra nước ngoài, thông tin xấu độc không tràn vào...

Cùng quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nước ta cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đứng trước tình hình bức thiết giải quyết những vấn đề diễn ra trên không gian mạng, mang lại những cơ hội và thách thức lớn. Công tác an ninh mạng do đó phải bảo đảm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Yêu cầu trước mắt và lâu dài là phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tiến công mạng, khủng bố mạng; chủ động phòng, chống chiến tranh mạng. Thời gian qua, thực tế cho thấy, hoạt động tiến công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Hằng năm, có hàng nghìn cuộc tiến công làm ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh quốc gia; gây thất thoát, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Các đối tượng xấu ráo riết thực hiện hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật. Ý kiến của nhiều đại biểu, chuyên gia tại phiên họp vừa qua cho rằng cần tiếp tục khẳng định sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, xung đột với quy định pháp luật hiện hành; tránh sự trùng lặp giữa Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, cần có những quy định trong luật làm sao tránh hạn chế quyền con người, bảo mật thông tin cá nhân được quy định trong Hiến pháp và tránh vi phạm các cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên.

Những nội dung quan trọng, đề cập lĩnh vực "nóng" được xã hội quan tâm liên quan dự án luật sẽ được lấy thêm ý kiến, cập nhật, bổ sung hoàn thiện trước khi trình ra kỳ họp Quốc hội thời gian tới.

.(Nguồn: http://ictvietnam.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây