SharePoint

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

20/02/2020 11:25
(TTCNTT) - Dịch Covid-19 có thể là cơ hội giúp Việt Nam sản xuất ra những mặt hàng thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn để tăng thị phần, PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh nói với Trí Thức Trẻ.

-Ông đánh giá như thế nào tác động của dịch Covid-19 với kinh tế Việt Nam? Hiện Bộ KHĐT cũng đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng với mức 6,25% nếu khống chế dịch trong quý I và 5,96% nếu khống chế trong quý II.

Thiệt hại đến nền kinh tế là không nhỏ, tác động rất nặng. Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng cần thêm nhiều nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu đến các doanh nghiệp. Một kịch bản cho tăng trưởng là cần thiết, nhưng có vẻ hơi sớm ở hiện tại. Trước mắt, cần kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng như thế nào phụ thuộc nhiều vào điều này.

Trước mắt, chúng ta chỉ hình dung được dịch bệnh tác động đến lĩnh vực, ngành nghề gì, đâu là cái bị nặng nề nhất để kịp thời hỗ trợ. Còn đo lường tốc độ tăng trưởng thì chưa phải lúc. Do vậy, đến nay Thủ tướng vẫn nói rằng phải theo dõi, còn Việt Nam chưa điều chỉnh tăng trưởng. Ưu tiên nhất vẫn là dập dịch, sau đó, tuyên bố với thế giới là Việt Nam an toàn.

Còn về thiệt hại, Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới với GDP nước này là 14.400 tỷ USD, đứng nhì toàn cầu và nhất thế giới nếu tính theo sức mua tương đương (27.300 tỷ USD), như vậy, ảnh hưởng chung đến toàn cầu là thứ nhìn thấy được.

Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Tổng xuất nhập khẩu của nước này là khoảng 4.500 tỷ USD. Việt Nam lại là nước láng giềng, nên chịu bị ảnh hưởng ngay tức thì.

Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam Trung Quốc là 117 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (xuất khẩu: 41,5 tỷ USD – chiếm 16%; nhập khẩu: 75,5 tỷ USD – chiếm 30%). Trong đó, 20% xuất khẩu qua đất liền, đang bị đóng băng. Con số này chưa tính đến những giao thương qua con đường tiểu ngạch, như vậy, có thể hình dung được ảnh hưởng lớn đến mức nào.

Một tác động trực tiếp khác là du lịch. Ngành này chúng ta đang trên đà phát triển, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của 30% lượng khách là người Trung Quốc. Việc hạn chế khách Trung Quốc khiến không chỉ ngành du lịch ảnh hưởng mà còn gây hiệu ứng domino nghiêm trọng lên cả chuỗi các ngành, dịch vụ ăn theo như hàng không, khách sạn, nhà hàng...

Tuy nhiên, những cái này chỉ là bề nổi. Tận sâu bên trong, những doanh nghiệp như dệt may, da giày, sản xuất điện thoại, máy tính... cũng sẽ gặp vấn đề trong thời gian tới khi nguyên liệu đầu vào dự trữ trước Tết bị cạn kiệt. Đến quý II, nhiều khả năng sẽ là giai đoạn rất khó khăn của các doanh nghiệp này.

-Vậy theo ông, đâu là những biện pháp có thể giúp giảm thiểu tối đa những tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế?

Phải dành nguồn lực đầu tư cho ngành y tế để sớm khống chế, dập dịch. Việc đầu tư này tôi cho rằng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, vì không chỉ có Covid-19 lần này, những dịch bệnh tương tự cũng có khả năng xảy ra trong tương lai, do vậy, Việt Nam luôn cần có sự chuẩn bị tốt.

Và trên cơ sở dập được dịch, sẽ có những giải pháp trước mắt và dài hạn.

Cụ thể, ngay lập tức chúng ta phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động cụ thể như giảm, hoãn thuế, gia hạn nợ, khoanh nợ, khoanh lãi đối với khoản vay ngân hàng. Điều này đặc biệt quan trọng với DNNVV. Tôi cho rằng cần phải có những giải cứu kịp thời để doanh nghiệp có thể bảo toàn được trong thời gian này đã. Khi xem lại những năm 2003 với dịch SARS hay 2009 với dịch H1N1, Việt Nam đều có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đấy là trong ngắn hạn.

Còn về trung và dài hạn, đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hàng hoá đầu ra.

Đơn cử như với nông sản, cần tái cơ cấu mạnh ngành, tạo ra nguồn hàng chất lượng cao, nắm bắt những thị trường mới mà Hiệp định EVFTA đang được xem là cánh cửa lớn.

Châu Âu là thị trường 450 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, cao gấp 3,6 lần Trung Quốc, nhưng cực kỳ khó tính. Thị trường này đòi hỏi sản phẩm không chỉ tốt, an toàn, mà các điều kiện liên quan đến việc sản xuất như lao động, môi trường cũng phải được đảm bảo. Do đó, quá trình chuyển dịch thị trường không diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà đòi hỏi Việt Nam phải làm lâu dài, có nỗ lực của doanh nghiệp và sự tiếp ứng từ Chính phủ.

Một điểm nữa, vì dịch bệnh, sự tiếp xúc giữa người với người bị hạn chế. Đây cũng là lúc chúng ta nên tập trung đẩy mạnh những dịch vụ trực tuyến như thương mại, thanh toán điện tử và đặc biệt là Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Tôi cho rằng các giải pháp cần được cân nhắc về tầm nhìn ngắn hạn, dài hạn để có sự ưu tiên kịp thời.

-Người ta hay nói trong nguy có cơ, ở góc độ của ông, liệu Việt Nam có "cửa sáng" gì từ những bất lợi này không?

Thứ nhất, có thể nhìn thấy khả năng ứng biến, phòng chống dịch bệnh của Việt Nam rất tốt. Ngành y tế Việt Nam đã làm rất tốt không chỉ trong dịch bệnh Covid-19 mà trước đó, SARS hồi năm 2003 cũng vậy. Qua những ca điều trị cho người nước ngoài thành công, chúng ta chứng minh được với thế giới là đi du lịch Việt Nam bên cạnh cảnh quan đẹp thì rất an toàn. Như vậy, Việt Nam có điều kiện phát triển du lịch trong thời gian tới khi dịch bệnh đã giảm đi.

Thứ hai, như tôi đã nói ban nãy, chính là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu toàn nền kinh tế. Quá trình này của chúng ta đôi khi còn chậm, nhưng giờ đây đã đến lúc nhìn thấy tính cấp thiết để đẩy nhanh tiến trình. Không có gì để trì hoãn nữa cả. Nhập siêu từ Trung Quốc đã nói nhiều năm rồi nhưng chưa giải quyết sâu.

Thông qua dịch bệnh, chúng ta có cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp làm ra những mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn bị cạnh tranh gay gắt về giá rẻ.

Hơn thế, nếu chúng ta có vùng nguyên liệu đủ lớn, chúng ta có thể tận dụng thời cơ Trung Quốc không xuất khẩu được lúc này để giành lấy một phần thị trường trên thế giới.

-Còn đầu tư thì sao, dường như sau Covid-19, xu hướng Trung Quốc 1 sẽ diễn ra mạnh hơn, liệu có cơ hội nào cho Việt Nam?

Chắc chắn là có. Ở đây có hai lý do. Thứ nhất, qua quá trình kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã phản ứng rất tốt. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đánh giá rất cao khả năng ứng phó với bệnh dịch của chúng ta. Điều này mang lại niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến làm ăn, kinh doanh.

Thứ hai, xu thế chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất lớn là có và đang tiếp diễn mạnh. Họ chuyển đến đâu, tất nhiên không thể nói tất cả cứ đi là đến Việt Nam, nhưng Việt Nam là điểm đến có nhiều lợi thế khiến họ phải cân nhắc.

Tôi cho rằng thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với châu Âu. Khi được thông qua cùng với Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội đón được nguồn đầu tư từ châu Âu với công nghệ tiên tiến, chất lượng cao. Đó là thứ Việt Nam luôn mơ ước. Hiện giờ đấy là điều quan trọng nhất!

Bài: Phương Ánh (Tri ThứcTrẻ)

Ảnh: Quang Vinh

Thiết kế: Hương Xuân

 (Nguồn: toquoc.vn)

 

 

 

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây