SharePoint

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh lặng lẽ Giải mã văn hóa

06/05/2019 13:37
(TTCNTT) - Văn hóa, tín ngưỡng là một đề tài rộng lớn thu hút sự quan tâm của nhiều người, tuy nhiên để theo đuổi công việc nghiên cứu đề tài này đòi hỏi phải là những người thực sự tâm huyết và bền bỉ. Trong số đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh đã dành hơn 40 năm cho công việc này và ngày ngày ông vẫn thầm lặng làm công việc mà mình đã lựa chọn.

Trong giới nghiên cứu Đông phương học, cái tên Nguyễn Quang Minh là một tên tuổi có danh vị cao và nhận được nhiều sự kính ngưỡng. Những kiến thức mà ông chia sẻ qua các bài nghiên cứu, các bài báo, cùng hàng trăm bài diễn thuyết để đưa lý thuyết nghiên cứu văn hoá, đặc biệt là triết học phương Đông ứng dụng vào trong thực tiễn trong hơn 40 năm qua là chặng đường nỗ lực lao động không ngừng nghỉ làm dày thêm những kiến thức về văn hóa Việt Nam.

Ông cũng là một người nhìn nhận rất rõ ràng các yếu tố truyền thống đang bị cuộc sống hiện đại tác động. Tín ngưỡng là một đề tài rộng lớn, nhiều tài liệu, nhiều chương trình đương đại đã đề cập nhưng có vẻ như những yếu tố truyền thống, những điểm tốt lành lại không được chú ý, còn những mặt không tích cực lại bị khai thác quá nhiều để thỏa mãn trí tò mò của công chúng.

 

Trình diễn nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam (ảnh tư liệu)

Lấy ví dụ về "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bị nhiều đối tượng lợi dụng khiến cho những gì tốt đẹp của di sản này bị hiểu sai lệch đi, ông cho rằng, do hiểu không đến đầu đến đuôi nên tạo thành một cuộc lạm dụng tâm linh và điều này gây nên tâm lý phản văn hóa. Còn tự thân những hành vi để trở thành biểu trưng văn hóa lại không có những nhà phân tích tốt. Ví dụ như biểu trưng của ông Hoàng Bảy là gì? Biểu trưng của ông Hoàng Mười là gì?… Và những biểu trưng đó được thể hiện qua các vũ đạo, ngôn ngữ cho đến trang phục thì chưa thấy đề cập sâu. Những khác biệt về ngôn ngữ thể hiện đã khiến chúng ta ngộ nhận Lên đồng như một thứ nửa tâm linh, nửa tín nửa thực. Và rõ ràng vấn đề trên đang bị công chúng nhìn nhận lệch lạc so với ý nghĩa ban đầu của nó.

Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, những tác động cực đoan của tiếp nhận văn hóa toàn cầu, khiến một bộ phận không nhỏ công chúng đang ngày một xa rời với kho tàng kiến thức và kinh nghiệm đồ sộ của cha ông hơn Bốn nghìn năm kế thừa và tích lũy. Chúng ta đang mất đi quá nhiều tài sản, những tài sản đó tạo lên một nền tảng đạo đức, một cái gốc dân trí của người Việt suốt Bốn nghìn năm qua.

Giai đoạn này không phải chúng ta mất mà là chúng ta đang tiếp nhận một cách ào ạt từ các nền văn minh trên thế giới. Điều này đẩy chúng ta vào tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên tri thức. Xuất phát từ vấn đề đó, chúng tôi thực hiện giải mã những hiện tượng trong cuộc sống thường nhật thông qua vốn kiến thức có sẵn của ông cha để lại cũng như kết hợp với những thành tựu từ khoa học kỹ thuật đương đại để hoàn thiện hơn hành vi sống, cách sống của chúng ta.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh trò chuyện cùng nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến về văn hóa

Để chia sẻ kho dữ liệu nghiên cứu văn hóa của mình, ông cũng là người đưa ra đề nghị làm chương trình giải mã văn hóa từ những người đang sống và cùng những con người đang sống. Những chương trình trao đổi với các nghệ sĩ nổi tiếng, đạo diễn Việt Tú, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ- nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhà báo Phan Đăng… là những 'người thật việc thật' minh chứng cho tâm huyết này của ông. Sự chia sẻ của những con người này sẽ bình lặng như một loại văn hóa để rồi ngấm dần vào mỗi con người qua từng ngày từng tháng. Chỉ có văn hóa và tri thức mới có thể sàng lọc ra giá trị thực sự cần lưu giữ.

Ông quan niệm rằng những gì mình làm là dành cho mọi người, tuy nhiên cũng không dám kỳ vọng đáp ứng được yêu cầu của mọi người. Sử dụng những thuật ngữ của lịch sử để chỉ rõ một vấn đề đương đại. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần sử dụng những ngôn ngữ đương đại thì tự chúng ta sẽ lãng quên và đánh mất gia tài kiến thức của ông cha đúc kết mấy nghìn năm.

Để dễ dàng hơn cho mọi người tiếp cận các nội dung của chương trình, kết cấu từng chương trình cũng được cân nhắc khá phù hợp với 70% hàm lượng nội dung mang hơi thở đương đại, còn 30% nhằm mục đích chú giải các ngôn ngữ, các biểu tượng văn hoá để mọi người dần hiểu những di sản xưa cũ của ông cha được ứng dụng trong đời sống thực tiễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh vui vẻ "tiết lộ" về dự định sắp tới của mình - chương trình Giải mã văn hóa sẽ được lên sóng truyền hình Việt Nam trong những ngày tới.

Hàng ngày chúng ta vẫn đang phải đối diện với sự xuống cấp, sự mất mát, hư hỏng của các giá trị văn hóa truyền thống. Những gì mà nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh đang làm cũng sẽ là một minh chứng sống động để những người dân Việt Nam có ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 (Nguồn: toquoc.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây