SharePoint

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 3 yếu tố để góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

12/04/2019 16:40
(TTCNTT) - Đó là một trong 3 câu hỏi mà Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”.

Diễn đàn Nguồn Nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 với chủ đề "Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn" với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức diễn ra tại hội trường Thống Nhất, TP. HCM vào sáng 12/4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Nguồn Nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019 - Ảnh Chính phủ

Sau khi lắng nghe các tham luận, báo cáo của lãnh đạo TP HCM, cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chỉ đạo. Theo đó, trong bài phát biểu chỉ đạo của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra 3 câu hỏi trong nhiệm vụ "Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn - Ảnh Vnexpress

Câu hỏi đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt là: Ngành du lịch Việt Nam có đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế tham gia hay không? Các chính sách nghề nghiệp có đủ hấp dẫn và sức hút đối với nhân lực chất lượng cao?

Câu hỏi thứ hai mà Thủ tướng đưa ra là: Làm gì để ngành du lịch tương xứng với hai chữ mũi nhọn? làm gì để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch và làm gì để tối ưu hóa hay nói cách khác là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực sẵn có hiện nay?

Câu hỏi thứ ba mà Thủ tướng đưa ra trong diễn đàn này là: các Bộ ngành đã làm gì để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Ba câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 chính là những vấn đề mang tính thực tiễn, cũng như những vấn đề cần giải quyết trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với câu hỏi thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chính những công ty có chính sách tốt sẽ có đáp án tốt nhất câu hỏi trên. Đó là những công ty có môi trường tốt, văn hóa công ty tốt. Câu hỏi này không chỉ là câu hỏi dành cho doanh nghiệp du lịch mà cả cơ quan nhà nước. Du lịch là ngành có tính chất toàn cầu nên khó áp dụng chế độ bảo hộ, chính sách không được rời rạc mà phải tổng thể.

Với câu hỏi thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết muốn mở rộng nội hàm chủ đề về nguồn nhân lực của ngành du lịch. Theo Thủ tướng, nguồn nhân lực của ngành du lịch không chỉ là các hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ tại các địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn hay các lễ tân… mà còn là cả ở người dân, những người kinh doanh dịch vụ và rộng ra là cả cộng đồng. Thủ Tướng nhấn mạnh rằng, chính người dân mới là yếu tố quyết định quan trọng trong hệ thống du lịch Việt Nam. Thủ tướng cho hay mỗi cá nhân đều có liên quan đến sự phát triển của du lịch Việt Nam. Đó chính là nguồn nhân lực quan trọng chứ không chỉ là nhân lực trong trường lớp đi ra. Thủ tướng nhấn mạnh trong ngành du lịch, tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị của mỗi con người.

Ở câu hỏi thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc các Bộ ngành đã nghiêm túc và chủ động thực hiện để ngành du lịch trở thành mũi nhọn hay chưa? Những năm qua, Đảng, Nhà nước xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng là 3 chiến lược hàng đầu, vậy các Bộ ngành đã làm gì để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn?

Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch, chiếm 2,5% tổng số lao động của cả nước, trong đó có khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

Ngoài việc đặt ra 3 câu hỏi trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến 3 yếu tố để góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá. Đó chính là 3 chữ "C", gồm: Con người, Cơ sở hạ tầng và Chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kỳ vọng sau diễn đàn này các Bộ ngành sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề trên nhằm giải quyết đúng bản chất vấn đề, tháo gỡ nút thắt, xây chiến lược đúng hướng, khả thi, nhất là trong vấn đề nâng cao nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, để ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây