SharePoint

Chính phủ điện tử mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp CNTT được phục vụ đất nước và tiến ra thế giới

24/10/2019 14:21
(TTCNTT) - “Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài”. Đó là quan điểm của Bộ TT&TT được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại buổi làm việc của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức vào ngày 22/10.

Đây là buổi làm việc đầu tiên kể từ khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc. Tham dự có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phạm Anh Tuấn, đại diện của các Bộ, ngành liên quan và một số doanh nghiệp về CNTT và ATTT như VNPT, Viettel, CMC, DTT,…

Tại phiên họp, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, làm rõ lộ trình và phương thức hoạt động trong thời gian tới của Tổ công tác. Trên tinh thần đề cao tính hiệu quả và vai trò quan trọng của các đề xuất cá nhân, các công việc của Tổ công tác sẽ kết hợp từ các đề xuất của các cá nhân, các nhóm trong Tổ công tác (theo hướng từ dưới lên – bottom up) và do Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giao (theo hướng từ trên xuống – top-down).

Các đại biểu cũng thống nhất cơ cấu tổ chức Tổ công tác sẽ gồm tổ thường trực, nhóm nguồn lực (tài chính) và ba nhóm chuyên môn, gồm: nhóm giải pháp công nghệ, nhóm an toàn, an ninh mạng và nhóm chính sách, thể chế. “Tổ công tác có nhiệm vụ cùng thảo luận những việc khó, việc lớn, có nhiều ý kiến phản biện mà không thể giải quyết hoặc thống nhất tại các Bộ ngành, địa phương từ đó khuyến nghị những cơ chế, giải pháp phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý Tổ công tác sẽ không làm thay việc của các Bộ ngành, địa phương.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Tin học hóa, tham góp ý kiến từ các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhất trí với các đề xuất về các công việc và thời gian dự kiến hoàn thành cho các cá nhân và các nhóm trong Tổ công tác.

Theo đó, cần triển khai sớm Hệ thống báo cáo trực tuyến về chính phủ điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TT&TT để cập nhật thông tin triển khai từ các Bộ ngành, địa phương đối với 20 tiêu chí do Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra. Nhiệm vụ này được giao cho Cục Tin học hóa.

Cần khẩn trương tổ chức Trung tâm giải đáp về chính phủ điện tử để trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến chính phủ điện tử đến từ các Bộ ngành và địa phương trong cả nước.Thời gian đầu Trung tâm sẽ vận hành 8 giờ/ngày và 5 ngày trong tuần.

Thống nhất chọn Bộ TT&TT, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh, Hà Nam làm triển khai điểm, mẫu về xây dựng Chính phủ điện tử và thử nghiệm khả năng đồng hành của các doanh nghiệp. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện vào tháng 1/2020 sẽ xem xét tổ chức nhân rộng kinh nghiệm thích hợp đến các Bộ ngành, địa phương toàn quốc. Cục Tin học hóa được giao xác định tiêu chí điểm, mẫu ngay trong tháng 10/2019.

Liên quan đến thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng sẽ làm việc với Bộ Công an và Bộ Tài nguyên Môi trường trước ngày 15/11 bàn cách tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nguồn trong triển khai cơ sở dữ liệu về đất đai và dân cư, trong đó cũng xem xét giải pháp lựa chọn doanh nghiệp đồng hành.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng ba nghị định quan trọng, trong đó Bộ TT&TT chủ trì Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước. Văn phòng Chính phủ chủ trì Nghị định quy định việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng về chính phủ điện tử

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị, về mật mã cho chính phủ điện tử, giao Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, phân loại nhiệm vụ của Ban, đồng thời đưa ra định hướng để doanh nghiệp làm chủ mật mã chính phủ điện tử và lựa chọn doanh nghiệp tham gia.

VNPT được giao nhiệm vụ đề xuất tiêu chuẩn công nghệ liên quan đến nền tảng chia sẻ dữ liệu, trình Bộ TT&TT xem xét, thực hiện ban hành. Cục Tin học hóa có trách nhiệm đề xuất danh sách các doanh nghiệp ở Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ về nền tảng chia sẻ dữ liệu.

Cần phải xem điện toán đám mây (cloud computing) là hạ tầng của hạ tầng, nên trong phát triển chính phủ điện tử, doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ hạ tầng quan trọng này. Cục An toàn thông tin cần xác định các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được điện toán đám mây cho chính phủ điện tử.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính phủ điện tử tin cậy. Cục An toàn thông tin được giao đề xuất danh sách những sản phẩm an toàn, an ninh mạng khuyến nghị cho chính phủ điện tử, xây dựng tiêu chuẩn liên quan và chỉ dẫn doanh nghiệp cách thức tham gia cung cấp giải pháp.

Cục Tin học hóa cần khẩn trương thiết lập trang thông tin điện tử chia sẻ các kinh nghiệm tốt từ các Bộ và địa phương về xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử để các đơn vị cùng học hỏi, chia sẻ lẫn nhau.

Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông để người dân hiểu được chính phủ điện tử mang lại những lợi ích gì cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, 63 tỉnh hiện đều có trang Facebook về Chính phủ điện tử. Cục Tin học hóa được giao nhiệm vụ  phối hợp với Cục PTTH-TTĐT kết nối 63 trang này để có tiếng nói chung về Chính phủ điện tử trên toàn quốc, góp phần tăng cường nhận thức của người dân, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ đạo.

 (Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây